Tiến bộ công nghệ đi kèm với một vài hậu quả không thể dự báo. Theo nhà tâm thần học Michael Merzenich, não người đang bị thay đổi vì công nghệ, thậm chí có thể làm chết người. Cụ thể, tác động của nó đến con người đến đâu?

1. Công nghệ xáo trộn giấc ngủ

Các nghiên cứu chỉ ra ánh sáng xanh từ thiết bị như smartphone, tablet, laptop ngăn cản cơ thể tiết ra melatonin vào ban đêm. Melatonin là hormone quan trọng giúp điều hòa đồng hồ sinh học, thông báo cho cơ thể biết khi nào là đêm và nên đi ngủ. Ánh sáng xanh cản trở quá trình này, khiến bạn khó có giấc ngủ sâu.

Mất ngủ tạo ra nhiều hiệu ứng tiêu cực cho não. Nếu không ngủ đủ 8 tiếng, bạn sẽ cảm thấy tâm trạng khó chịu, giảm tập trung khi làm việc, gặp vấn đề về trí nhớ, chưa kể đến tổn thất mô não.

2. Bạn dễ bị phân tâm

Không cần phải giỏi khoa học bạn mới biết về điều này: thực tế công nghệ làm chúng ta dễ xao lãng dù đang làm một việc vô cùng quan trọng. Làm nhiều việc cùng lúc chưa bao giờ hiệu quả mà chỉ làm mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.

Thanh thiếu niên là đối tượng bị ảnh hưởng nhất. Trong khảo sát năm 2012 của trung tâm Pew đối với hơn 2.400 giáo viên, họ cho biết học sinh ngày nay dễ phân tâm hơn thế hệ trước.

3. Bạn không thể nhớ nhiều thứ…

Công nghệ “thò mặt” vào mọi ngóc ngách khiến bạn khó hình thành kí ức mới. Theo tác giả Nicholas Carr, có hai dạng bộ nhớ: ngắn hạn và dài hạn, thông tin cần chuyển từ dạng ngắn hạn sang dài hạn để được lưu trữ lâu hơn. Bất kì hoạt động nào can thiệp vào quá trình này như dừng lại để kiểm tra email, nhắn tin trong khi đang đọc báo đều xóa bỏ thông tin trước khi sự trao đổi diễn ra.

Ngoài ra, còn có giới hạn về lượng thông tin ghi nhớ được trong một khoảng thời gian. Khi tiếp xúc với quá nhiều thứ, nó giống như “tưới nước liên tục cho cỏ cả ngày dài, vì thế bất cứ thứ gì nằm ở trên đều bị gạt sạch khi có đợt nước mới”, chuyên gia Tony Schwartz so sánh.

4. … nên phải nhờ cậy đến Internet

Mọi người thường muốn ghi nhớ lượng kiến thức lớn bằng cách đọc lai các cuốn sách đã đọc một cách tường tận song công nghệ loại bỏ cả nhu cầu lẫn động lực làm việc này. Khi bạn biết Google hay smartphone có thể làm điều đó thay bạn, bạn ít có mong muốn lưu nó trong bộ nhớ. Có người đã ví Internet như “ổ cứng ngoài” của bộ não khi chúng ta “outsource” một lượng lớn thông tin cho web.

5. Bạn đãng trí hơn hẳn

Theo khảo sát của Trending Machine năm 2013, thế hệ trẻ còn đãng trí hơn cả người 55 tuổi khi hay quên ngày tháng, nơi cất chìa khóa nhà. Trong thông cáo báo chí, bác sĩ trị liệu Patricia Gutentag gọi tên công nghệ là thủ phạm chính.

6. Không biết mình đang đọc gì

Dù gạt hết mọi thứ gây xao lãng sang một bên, bạn không thể hấp thụ thông tin đọc trên mạng như khi đọc sách. Hypertext (siêu văn bản) là một trong những nguyên nhân vì các đường liên kết màu mè ẩn trong bài báo buộc não hoạt động vất vả hơn, chỉ còn ít năng lượng để xử lí những gì đang đọc.

7. Không thể tìm đường nếu thiếu GPS

Những người quá phụ thuộc vào GPS có ít hoạt động trong hippocampus, một khu vực trong não bộ có liên quan đến bộ nhớ và khả năng điều hướng. Theo một nghiên cứu năm 2010, sử dụng trí nhớ không gian (spatial memory) liên quan đến dấu hiệu trực quan để phát triển bản đồ nhận thức, ghi nhớ tuyến đường thay vì dùng GPS sẽ giúp ngăn chặn các vấn đề bộ nhớ sau này.

Nghiên cứu năm 2008 của Đại học Luân Đôn chỉ ra lái xe taxi có hippocampus phát triển hơn lái xe thông thường, có lẽ vì họ quen với việc chạy quanh thành phố bằng trí nhớ không gian mà không lệ thuộc vào GPS.

8. Có bộ não của người nghiện

“Nghiện” không phải là một từ để nói đùa khi thấy ai đó dành quá nhiều thời gian cho game, mạng xã hội, smartphone. Thực tế, theo một nghiên cứu năm 2012, nó có thể tạo ra thay đổi trong não bộ tương tự tác động của ma túy và cồn.

Nghiện Internet, phổ biến nhất ở giới game thủ quên ăn, quên ngủ, quên học hành để chơi game, cản trở các vùng xử lí cảm xúc và ra quyết định. Người nghiện rượu, ma túy cũng có vùng não bất thường như vậy.

Qua những gì mô tả trên đây, bạn có thể nắm được phần nào tác động của công nghệ lên bộ não con người. Để không trở thành nô lệ của công nghệ hay tránh những phản ứng tiêu cực làm hủy hoại cuộc sống, cách tốt nhất là hãy ngắt kết nối, cân bằng giữa thời gian dùng Internet và sinh hoạt hàng ngày.

Theo ICTnews.




Bình luận

  • TTCN (0)