Công ty nghiên cứu thị trường Newzoo mới đây đã công bố doanh thu quý I năm 2014 của các công ty game trên thế giới và khá bất ngờ khi Tencent, gã khổng lồ của làng game Trung Quốc đã vượt lên trên hàng loạt công ty lớn của phương Tây như Microsoft, Sony, Nintendo, Apple, EA, Activision Blizzard,... với doanh thu 17,14 tỉ USD.

Newzoo cũng dự báo đến năm 2016, công ty này sẽ có mức doanh thu chiếm khoảng 10% thị trường game trên toàn cầu.

Ở Trung Quốc, Tencent hiện cũng nắm giữ trong tay hơn 50% thị phần thị trường game nội địa. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, trong một vài năm tới, Bắc Mỹ và châu Âu sẽ không phải là thị trường game phát triển nhanh nhất, bởi nó sẽ thuộc về quốc gia có tốc độ tăng trưởng chóng mặt hiện nay, Trung Quốc.

Hiện tại, 82% sự tăng trưởng ở ngành công nghiệp game đến từ khu vực Châu Á Thái Bình Dương và Tencent dự kiến ​​sẽ trở thành công ty game mạnh nhất, không chỉ trong khu vực mà trên cả toàn cầu.

Để đạt được điều này, "gã khổng lồ" Trung Quốc đang nắm trong tay 10 trò chơi miễn phí mang lại lợi nhuận hấp dẫn nhất thế giới trong đó ba sản phẩm tuổi nhất là Cross Fire, League of Legends và Dungeon and Fighter. Chỉ với 3 con bài chủ chốt này, hãng cũng đã thu về hơn 2 tỉ USD lợi nhuận hàng năm. Để dễ dàng hình dung hơn thì trong năm 2014, Activision Blizzard cũng chỉ đạt được 4,5 tỉ USD lợi nhuận trong khi EA là 3,79 tỉ USD.

Ảnh
Bên ngoài trụ sở chính của tập đoàn Tencent.

Ở lĩnh vực game di động, một "mỏ vàng" mới được khai quật và đang tích cực được khai thác trong vài năm trở lại đây, Tencent cũng đã có những bước đi chiến lược. Với tiềm lực và khả năng tài chính của mình, các sản phẩm đình đám và tên tuổi nhất cũng bằng cách này hay cách khác, rơi vào tay "gã khổng lồ" nhiều tiền lắm của.

Tuy nhiên, mạnh mẽ và doanh thu cao đến vậy nhưng ở góc nhìn tổng thể, thương hiệu Tencent trên thực tế vẫn không được đánh giá cao, đặc biệt là ở thị trường quốc tế. Bởi trong ngành công nghiệp game hiện đại, để thực sự nổi tiếng và thành công, một hãng game cần phải xây dựng cùng một lúc cả hai khía cạnh, đó là sản phẩm và thương hiệu.

So sánh với kẻ đang dưới trướng về mặt doanh thu, Blizzard, thì dường như Tencent vẫn đang ở "chiếu dưới". Trong con mắt của cộng đồng game thủ thế giới và các nhà đầu tư, Blizzard gần như không phải là một công ty thương mại mà giống như một "lão nông" uy tín với các sản phẩm cây nhà lá vườn của mình. Hãng game của Mỹ này đã xây dựng được một hình ảnh về thương hiệu tốt, với những cái tên đảm bảo uy tín về chất lượng sản phẩm như Diablo, World of Warcraft, StarCraft,... Do đó, Blizzard luôn được coi là một công ty thành công, với các sản phẩm hứa hẹn sẽ luôn chất lượng và tuyệt vời, dễ dàng nhận được sự gật đầu đồng ý đầu tư hay hợp tác từ bất cứ đại gia nào.

Ảnh
Game MOBA đang "bá đạo" thị trường Việt Nam lẫn quốc tế, League of Legends thực tế cũng là sản phẩm dưới trướng Tencent, sau khi công ty này mua lại Riot Games với giá khoảng 400 triệu USD năm 2011.

Còn Tencent, ngay cả ở trong thị trường nội địa, với một số lượng lớn người chơi đang trải nghiệm các sản phẩm của mình, nhưng phần nhiều trong số các sản phẩm này đều dính líu đến các tranh chấp về bản quyền, hình ảnh thương hiệu. Ngoài việc mua lại Riot Games với sản phẩm chủ chốt League of Legends gần đây, nhìn trên quy mô toàn cầu, Tencent đang không có bất kì thương hiệu có sức ảnh hưởng mang tầm thế giới.

Theo VnExpress.




Bình luận

  • TTCN (0)