Nhằm thực hiện nhiệm vụ nâng cao năng lực hoạt động, sức cạnh tranh và thương hiệu Việt Nam cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT), ngày 4/12, Bộ Thông tin & Truyền thông đã tổ chức hội thảo và triển lãm sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin thương hiệu Việt.

Đây là sự kiện nhằm giới thiệu, cung cấp thông tin, định hướng nhận thức cho người tiêu dùng trong nước và nước ngoài về khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp CNTT Việt Nam, và từ đó kết nối, cũng như phát triển thị trường, thương hiệu cho sản phẩm, dịch vụ CNTT có cơ hội cạnh tranh ngay trên sân nhà.

Tính trong vòng 2 năm trở lại đây, ngành CNTT của Việt Nam đã có những bước tăng trưởng đột phá. Năm 2013, doanh thu của ngành đạt gần 40 tỉ USD, tăng 55,3% so với năm 2012. Cũng trong năm 2013, Việt Nam đã lọt vào Top 10 nước có tốc độ tăng trưởng người dùng Internet nhanh nhất khu vực châu Á.

Mặc dù dịch vụ và sản phẩm của ngành công nghệ thông tin đã đạt được mức tăng trưởng ấn tượng, nhưng nếu so với các sản phẩm có tính chất công nghệ cao như điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin nước ngoài và một số sản phẩm công nghệ cao do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất thì tỉ lệ người tiêu dùng và yêu thích vẫn còn thấp.

Giải thích vấn đề này, ông Trần Đức Lai, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông, cho rằng nguyên nhân là do việc quảng bá của chúng ta đối với các loại hình sản phẩm và dịch vụ công nghệ chưa được sâu rộng như các mặt hàng thiết yếu khác hàng ngày. Thêm vào đó là chủng loại sản phẩm về công nghệ cao sản xuất tại Việt Nam cũng chưa đa dạng, chưa đáp ứng được nhu cầu về chất lượng, mẫu mã mà người tiêu dùng mong muốn.

Một chủ đề khác cũng được thảo luận tại hội thảo là chủ trương thuê ngoài dịch vụ CNTT trong các cơ quan Nhà nước. Hiện tại, nhu cầu ứng dụng dịch vụ CNTT tại các cơ quan, đơn vị ở Trung ương và địa phương là rất lớn, trong khi không phải nơi nào cũng có thể đáp ứng tốt các điều kiện về cơ sở hạ tầng, kĩ thuật, con người….

Được biết, từ năm 2013, TP. HCM đã thuê ngoài hạ tầng và dịch vụ CNTT để triển khai quản lí hệ thống Trung tâm dữ liệu TP, Thư điện tử, Tổng đài tiếp nhận sự cố hạ tầng - kĩ thuật….

Với phương thức hoạt động này, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ sẽ tự bỏ tiền đầu tư hệ thống CNTT, còn cơ quan Nhà nước sẽ là khách hàng đi thuê sử dụng dịch vụ theo theo phương thức dùng bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu, tương tự với các dịch vụ điện thoại, điện, nước....

Theo ông Lai, việc thuê ngoài dịch vụ CNTT nói trên sẽ giúp các cơ quan Nhà nước tiết kiệm ngân sách khi không tốn kinh phí lớn đầu tư toàn bộ hạ tầng, nhân lực mà vẫn triển khai được các ứng dụng CNTT vào phục vụ công việc. Đồng thời, tạo cơ hội, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển sản phẩm công nghệ trong nước, nhanh chóng đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là chúng ta vẫn chưa có quy định cho phương thức hoạt động này. Do đó, việc sử dụng nguồn kinh phí nào để thuê ngoài các sản phẩm CNTT vẫn phải chờ Chính phủ quyết định.

Theo Khám Phá.




Bình luận

  • TTCN (0)