Google không tạo ra hệ điều hành Android

Người dùng thường biết đến Android là của Google, tuy nhiên, những viên gạch đầu tiên xây dựng nên hệ điều hành này lại không phải do hãng tìm kiếm này tạo ra. Android được thành lập vào năm 2003 bởi Andy Rubin, Rich Miner, Nick Sears và Chris White. Những người sáng lập này có mối quan hệ mật thiết với T-Mobile. Đó cũng là lí do nhà mạng này là đơn vị đầu tiên phân phối điện thoại Android.

Đến năm 2005, Google mua lại Android Inc. và các nhà phát triển Rubin, Miner cùng White đã ở lại chung tay phát triển nền tảng này. Nhiều chuyên gia nhận xét rằng mua lại Android là một trong những thương vụ thành công nhất của "gã tìm kiếm khổng lồ". Sau 10 năm về tay Google, Android là nền tảng tăng trưởng mạnh mẽ và chiếm tới 85% thị phần smartphone.

Android từng bị hoài nghi về khả năng thành công

Thị phần lớn là minh chứng rõ ràng nhất về sự thành công của Android. Tuy nhiên ít người biết rằng hệ điều hành này từng bị hoài nghi lúc mới ra mắt khi phải chịu sức ép rất lớn từ Apple iPhone, Microsoft hay BlackBerry.

Vào cuối năm 2008, trong một cuộc thảo luận về điện thoại di động, một câu hỏi được đưa ra "chúng ta cần phải nói về Android, phải không?". Một thành viên từ Pandora (dịch vụ Radio Internet) đã quả quyết: "Tại sao? Tại sao chúng ta cần bàn về Android? Chẳng ai quan tâm đến nó cả". Để rồi vài năm sau, Pandora đã phát triển ứng dụng của họ trên nền tảng này.

Khi chiếc T-Mobile G1 được ra mắt, không ít bài báo nói rằng thiết bị này kém hấp dẫn và Android sẽ chẳng đi về đâu. Tuy nhiên các sản phẩm kế tiếp của Google đã xóa bỏ những hoài nghi về sự thành công của Android.

Mẫu thử Android đầu tiên giống một chiếc BlackBerry

Trước thời điểm Apple trình làng iPhone thế hệ đầu tiên, nguyên mẫu Android đã được thử nghiệm với bàn phím vật lí QWERTY, trackpad và không có màn hình cảm ứng. Những đặc điểm trên đủ làm người dùng liên tưởng thiết bị này giống BlackBerry, và sự thật là giao diện Android lúc đó cũng tương tự phong cách của nhà sản xuất Canada.

Sau khi iPhone được công bố, mẫu Android đầu tiên thật sự "lột xác" khi có màn hình cảm ứng rộng rãi và giao diện hoàn toàn mới. Rõ ràng Google nhận ra rằng iPhone mới thật sự là đối thủ của Android và quyết định đúng đắn này đã đưa Android tiến nhanh hơn.

Android bản 1.0 và 1.1 không được đặt tên theo các món bánh

Google có xu hướng chọn các món tráng miệng để đặt tên cho các phiên bản Android. Chẳng hạn mới nhất là Android 5.0 Lollipop, trước đó với KitKat, Jelly Bean hay Ice Cream Sandwich.

Tuy nhiên, trong phiên bản đầu Google chưa đặt tên theo cách đó. Android 1.5 là hệ điều hành đầu tiên có tên, đặt theo món tráng miệng Cupcake.

Android 3.0 là phiên bản duy nhất không chạy trên điện thoại

Hiện nay, Android được biết đến là nền tảng chạy trên nhiều loại thiết bị từ máy tính bảng, đồng hồ, TV đến xe hơi và phổ biến nhất là smartphone. Tuy nhiên, phiên bản Android 3.0 Honeycomb ra mắt năm 2010 lại được thiết kế dành riêng cho máy tính bảng. Thời điểm này, Apple gây sốt toàn thế giới với iPad và Android 3.0 được cho là bước đi của Google nhằm cạnh tranh với "Táo Khuyết".

Thiết bị đầu tiên chạy Android 3.0 Honeycomb là tablet Motorola Xoom. Nền tảng của Google được thiết kế lại hoàn toàn nhằm thích hợp với màn hình lớn. Tuy nhiên sau phiên bản này, Google lại hợp nhất các phiên bản Android dành cho cả điện thoại và máy tính bảng, phù hợp với các kích cỡ màn hình khác nhau.

Thiết bị Android đầu tiên không có bàn phím ảo hay giắc tai nghe 3,5mm

Vào năm 2008, nêu bạn nói rằng những mẫu điện thoại trong tương lai sẽ không có bàn phím vật lí thì đây được cho là chuyện nực cười. Thời điểm này, BlackBerry vẫn là một "đế chế" hùng mạnh, iPhone còn rất non nớt. Bởi vậy, mẫu Android đầu tiên T-Mobile G1 dù có màn hình cảm ứng rộng rãi nhưng vẫn cần đến bàn phím QWERTY. Đặc biệt, nền tảng Android 1.1 cũng không có bàn phím ảo và người dùng buộc phải trượt thiết bị khi muốn nhập liệu. Lên đến bản 1.5, nền tảng Android mới có bàn phím ảo.

Ngoài ra, T-Mobile G1 cũng không được trang bị cổng âm thanh 3,5 mm. Để kết nối đến tai nghe, khách hàng cần thêm bộ chuyển đổi ngoài.

Android khiến CEO Google phải rời ban lãnh đạo Apple

Trước khi cạnh tranh gay gắt trong mảng di động, Google và Apple từng là liên minh để chống lại "đại gia" Microsoft. Tuy nhiên chính sự "lấn sân" và "chạm trán" nhau trên thị trường smartphone đã khiến mối quan hệ này lung lay từ giữa 2009.

Thời điểm này, giám đốc điều hành của Google là Eric E. Schmidt cũng có ghế trong ban lãnh đạo Apple. Sau đó ông đã phải rút khỏi chiến tuyến của Apple khi liên minh này bất đồng về lợi ích. Steve Jobs cho biết: "Thật tiếc khi Google ngày càng xâm nhập nhiều hơn vào các mảng cốt lõi của Apple với Android và Chrome OS. Hiệu quả của Eric trong vài trò một thành viên quản trị Apple đã bị giảm đi đáng kể và ông sẽ rời khỏi vị trí này do những xung đột có thể xảy ra".

Mẫu đồng hồ thông minh Android đầu tiên ra mắt từ 2010

Nền tảng Android Wear dành riêng cho các thiết bị đeo được Google giới thiệu năm 2014. Kể từ đó, loạt smartwatch chạy hệ điều hành này liên tục được các nhà sản xuất trình làng. Tuy nhiên năm 2010 Sony đã tung ra mẫu LiveView, đây mới là thiết bị đầu tiên xây dựng dựa trên Android. Model này cho phép kết nối với smartphone Android để nhận thông báo Twitter, SMS hay điều khiển chơi nhạc.

Theo Số Hoá.




Bình luận

  • TTCN (0)