Bất cứ ai, kể cả trẻ nhỏ, cũng có thể dễ dàng mua được các bộ simcard trả trước tại các cửa hàng bán lẻ Sim - Thẻ cào như thế này mà không cần bất kỳ loại giấy tờ tuỳ thân nào.

Bốn câu chuyện về quản lý thuê bao di động trả trước ở các quốc gia phát triển khác nhau, nhưng đều phản ánh rõ nét về vai trò quan trọng của nhà cung cấp dịch vụ di động trong việc quản lý thông tin khách hàng, và sự cân đối giữa lợi nhuận kinh doanh và trách nhiệm đi kèm.

Câu chuyện 1

Độc giả Nguyễn Phước, TP.HCM ([email protected]) chia sẻ với VietNamNet: "Cuối tháng 8/2008, chúng tôi đi công tác tại Puna, Ấn Độ. Do đi gấp và ngắn ngày nên qua đó mới mua thẻ điện thoại trả trước. Ấn Độ có các thủ tục như sau : - 1 photocopy trang passport có ảnh (dân sở tại thì photocopy căn cước) - 1 photocopy trang đóng dấu visa nhập cảnh - 1 ảnh 2x3 hoặc 3x4 cm - 1 bản quy định kiêm hóa đơn, 2 trang, khá nhiều quy định và phải ký tên, ghi rõ họ tên sau điều khoản đã đọc và đồng ý các quy định.

Theo quy định, khách giữ 1 bản, cửa hàng giữ 1 bản, họ nói là cuối ngày phải đi nộp lên nhà cung cấp. 30 phút sau, thẻ được mở, gọi được, đúng như người bán hàng nói. Đây là mua thẻ sim trả trước ở 1 cửa hàng trong khu bán hàng bình dân ở khu vực nhỏ có một bến xe taxi. Theo các bạn du học sinh bên đó kể, thì mua ở đâu trong thành phố này cũng phải như vậy. Nếu là dân sở tại và người nước ngoài tạm trú dài hạn, thì phải có thêm giấy xác nhận của cảnh sát địa phương, thủ tục này cũng đơn giản và nhanh, tuyệt đối không thấy có vòi vĩnh hối lộ.

Một du học sinh có thể mua nhiều thẻ cho đồng hương qua làm việc ngắn hạn, nhưng phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về những gì đã ký khi mua thẻ. Khi một người trong đoàn chúng tôi phàn nàn về thủ tục rắc rối, người bán hàng mở ngăn kéo lấy ra khoảng hơn 20 bộ giấy tờ đủ các bản copy, ảnh, hóa đơn kiêm quy định cho xem. Hôm đó, chỉ có chúng tôi là nhóm người nước ngoài duy nhất mua thẻ ở đấy, tức là bất cứ ai mua thẻ ĐTDĐ trả trước dù “ta” hay “tây” cũng phải tuân thủ đầy đủ các thủ tục đó."

Câu chuyện 2

Độc giả Vũ Phạm Minh Tuấn, Quận 4, TP. HCM ([email protected]) chia sẻ: "Cách đây mấy tháng khi tôi qua Mỹ. Để thuận tiện liên lạc với bạn bè, tôi đã mua một SIM thuê bảo trả trước cũng hãng di động T-Mobile. Giá SIM trả trước khá đắt (và sau đó tôi cũng được biết cước liên lạc trả trước cũng đắt không kém).

Tôi lại càng bất ngờ hơn khi nhân viên bán hàng nhất quyết yêu cầu tôi trình Hộ chiếu để khai tên tuổi, sau đó mới bán sản phẩm. Cũng may là lúc ấy tôi có mang theo hộ chiếu. Dù hơi phiền nhưng ngẫm lại mới thấy cách quản lý như thế mới thực sự chặt chẽ.

Câu chuyện 3
Ảnh
Bản hợp đồng khách hàng mua Sim trả trước của hãng Orange tại Kourou, French Guiana (Nam Mỹ). Ảnh: Bình Minh.

Trong chuyến công tác tới Trung tâm vũ trụ châu Âu tại Kourou, French Guiana (Nam Mỹ) để tường thuật trực tiếp sự kiện phóng vệ tinh VINASAT-1 lên vũ trụ vào cuối tháng 4/2008, một trong những nhiệm vụ đầu tiên của PV VietNamNet là phải mua thêm một Sim ĐTDĐ trả trước của nhà cung cấp bản địa để đảm bảo liên lạc về Toà soạn, đề phòng trường hợp kết nối roaming của MobiFone bị nghẽn đột xuất.

Do phần lớn thời gian phải dành cho tác nghiệp trong trung tâm vũ trụ, nên PV VietNamNet phải nhờ một chuyên gia kỹ thuật người Việt Nam của dự án VINASAT-1 mua giúp một chiếc Sim ĐTDĐ trả trước của hãng Orange với giá 35 Euro (hơn 700.000 VNĐ), với số tiền trong tài khoản là 10 Euro, đủ gọi về Việt Nam khoảng... 2 phút rưỡi.

Dù là vùng thuộc địa của Pháp tại Nam Mỹ với dân số vẻn vẹn vài triệu người, nhưng các nguyên tắc quản lý thuê bao di động trả trước không vì thế mà lỏng lẻo. Để mua được Sim ĐTDĐ trả trước tại một cửa hàng tạp hoá, chuyên gia kỹ thuật người Việt đã phải trình hộ chiếu, ký vào hai bản hợp đồng với các điều khoản ràng buộc chặt chẽ về mục đích sử dụng chiếc Sim, cùng tuỳ chọn người mua có cho phép niêm yết số điện thoại đó lên cuốn danh bạ điện thoại hay không.

Cửa hàng bán Sim theo quy định phải photo lại hộ chiếu và visa của người mua. Hợp đồng sau khi đã điền đầy đủ thông tin cá nhân của khách hàng như số hộ chiếu, người bán và ký xác nhận, đóng dấu, cửa hàng đại lý  sẽ giữ một bản chuyển cho nhà cung cấp, phía người mua giữ một bản.

Do kênh liên lạc roaming và kết nối viễn thông quốc tế của French Guiana rất hẹp vì nhu cầu liên lạc và mật độ dân số thấp, nên thời gian để thực hiện một cuộc gọi qua thuê bao roaming và chờ gọi lại rất lâu. Nhờ có chiếc Sim Orange, quá trình liên lạc về Việt Nam của PV VietNamNet đã thuận tiện hơn rất nhiều, giúp PV "nháy máy" báo hiệu cho toà soạn biết thời điểm cần liên lạc để tiến hành ghi âm các cuộc điện thoại gọi sang cho PV tường thuật trực tiếp từ chân bệ phóng VINASAT-1.

Câu chuyện 4

Hà Nội, tháng 8/2008, góc đường ngã tư Hàng Mắm, Hàng Tre, 12h30 đêm, một trong những tụ điểm bán thẻ cào điện thoại muộn nhất của Thủ đô. Dừng xe trước một cửa hàng lụp xụp kéo hờ cánh cửa xếp, bà cụ bán hàng đang ngồi ngủ gật, choàng tỉnh hỏi PV VietNamNet theo phản xạ quen thuộc: - Vina, Mobi hay Viettel hả cậu? Loại bao nhiêu?

- Có Sim Vina trả trước khuyến mại không bác? Loại nào rẻ mà khuyến mãi nhiều ấy, không cần chọn số đẹp đâu.

- Đây, có ngay! Sim 50 ngàn, đăng ký kích hoạt tài khoản xong có khuyến mãi thành 160 ngàn nhé. Rẻ hơn cả mua thẻ cào.

- Thôi, cháu ngại đăng ký lắm, soạn tin nhắn lằng nhằng mà gửi mãi vẫn chả đúng được. Có loại nào lắp vào máy gọi được luôn không?

- Yên tâm, con nhà cô nó ngồi trông hàng rỗi, đăng ký kích hoạt hết cả rồi, không sắp hết đợt khuyến mãi lại được ít tiền. Sim bóc ra luôn rồi nhé. Cứ lắp vào kiểm tra tài khoản, đủ 160 ngàn cô mới lấy tiền của chú.

Tôi lắp thử sim rồi gọi 900 kiểm tra thử, quả đúng tài khoản còn 160 ngàn thật. Đưa tờ 50 ngàn cho bà cụ rồi phóng xe đi, việc mua bán đơn giản như tôi vừa mua chiếc bánh mỳ hay gói xôi ăn đêm.

Đã từng nghiêm túc

Từ năm 1999, MobiFone khởi đầu việc cung cấp dịch vụ thuê bao trả trước. Trong những năm 2000 - 2003, việc khai báo thông tin cá nhân, photo CMND khi mua thẻ simcard trả trước đã được VinaPhone và MobiFone áp dụng khá tốt theo nguyên tắc chung của các nhà cung cấp dịch vụ di động theo tiêu chuẩn châu Âu.

Nhưng tới năm 2004, khi Viettel Mobile ra đời, cùng các chương trình khuyến mãi rầm rộ nhằm thu hút thuê bao mới cho mạng 098, những quy định khai báo thông tin cá nhân trước kia vô tình trở thành hạn chế cạnh tranh của hai mạng di động đàn anh. Và theo lẽ đương nhiên, hạn chế cần phải được dỡ bỏ. Để cạnh tranh, các bộ sim kit của VinaPhone, MobiFone liên tục ra đời với mức giá ngày càng giảm, từ 220.00đ, giảm xuống 150.000đ, 100.000đ, rồi xuống tới 65.000đ.

Trào lưu tặng tiền khi kích hoạt sim trả trước mới cũng được phổ biến giữa các mạng di động nhằm tăng khả năng cạnh tranh. Các đại lý bán simcard cũng nhanh nhẹn lắp sim kích hoạt trước cả khi bán cho khách để được khuyến mãi thêm nhiều tiền vào tài khoản. Giá mua sim mới để gọi thậm chí còn rẻ hơn mua thẻ cào nạp tiền.

Ảnh
Trên thực tế, tình trạng một người sử dụng nhiều sim ĐTDĐ để tận dụng tiền khuyến mãi cũng đã trở nên rất phổ biến. Ảnh: Thế Phong.

Ngày 3/6/2008, Bộ Thông tin & Truyền thông công bố trên toàn quốc hiện có khoảng 48 triệu thuê bao di động đang được kích hoạt, nhưng tỉ lệ thuê bao trả trước chiếm tới hơn 90%. Tính sơ bộ, từ giữa năm 2007 đến giữa năm 2008, Việt Nam đã có thêm khoảng 20 triệu thuê bao di động, một mức tăng trưởng đáng kinh ngạc. Nhưng trên thực tế, tình trạng một người sử dụng nhiều sim ĐTDĐ để tận dụng tiền khuyến mãi cũng đã trở nên rất phổ biến.

Lời kết

Lợi ích thì có thể nhìn thấy ngay là nhà nhà có di động, người người có di động. ĐTDĐ không còn là một món đồ trang sức xa xỉ như trước đây nữa, mà cậu học trò, anh bảo vệ, hay chị bán đồng nát giờ cũng có thể rút alô ra gọi điện, nhắn tin mọi lúc mọi nơi. Sự liên lạc tiện lợi nhờ công nghệ di động là điều có thể thấy rõ.

Nhưng mặt hại, ở góc độ nhà quản lý, có thể thấy các mạng di động đã đốt kho số một cách vô tội vạ khi chạy đua tăng số lượng thuê bao trả trước mới, dẫn tới bùng nổ tình trạng thuê bao ảo, công bố con số thuê bao tăng trưởng chóng mặt, nhưng phần lớn trong số đó lại là những thuê bao trả trước chỉ dùng một lần rồi bỏ. Khi đã "cháy" kho số, các mạng di động lại đồng loạt xin thêm đầu số mới, nâng số thuê bao lên 11 chữ số, nhằm tiếp tục có kho số mới để "đốt" cho cuộc đua tăng trưởng thuê bao.

Mặt hại nghiêm trọng hơn, là tình trạng một tỉ lệ rất lớn thuê bao di động trả trước không hề được kê khai thông tin cá nhân khi bán sim, gây khó khăn về mặt quản lý, tạo điều kiện cho các hiện tượng xấu như quấy rối, đe doạ nặc danh qua ĐTDĐ, không thể truy tìm chủ nhân sử dụng số thuê bao trả trước, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong quá trình điều tra, xử lý.

Chính những tác hại xuất phát từ sự thiếu trách nhiệm và chạy theo lợi nhuận của các mạng di động như trên đang trực tiếp gây ảnh hưởng tới trật tự an ninh xã hội, cũng như quyền lợi chính đáng của mỗi người tiêu dùng.

(Theo Vietnamnet)



Bình luận

  • TTCN (4)
Nemo Nguyen  21665

Chung quy cũng do cơ quan quản lý thả lỏng các nhà cung cấp dịch vụ quá... nên các hãng mới khuyến mãi SIM ào ạt, "tự đốt kho số"... rồi xin nhà nước cấp thêm dễ ẹt.

Chứ bên nước ngoài là phải bỏ tiền mua thêm số với giá rất mắc hoặc ko cho phép mua thêm thì có "cho tiền" cũng chẳng ai dám bán SIM trả trước vô tội vạ.

Tin Tin  6

Có nhiều nước các FBO, SBO không phải mất tiền mua đầu số và kho số cũng có đóng đâu, tình hình đâu có lộn xộn như thế.
Dân tình nhà mình quen lộn xộn thì đúng hơn.

Hải Nam  30903

Chính xác là do cơ quan quản lí thôi. Để cho Viettel thả cửa, rồi tiếp tục đến các bác khác. Nhưng nói đi cũng phải nói lại: nhờ vậy mà thị trường đtdđ mới hào hứng như ngày nay Wink

Trước giờ chỉ mới thấy ở VN mua SIM được khuyến mãi tiền gấp 2-3 lần tiền mua, mà chẳng phải khai báo giấy tờ lằng nhằng gì. Cũng vì vậy mà những đợt bầu chọn qua SMS, "đại gia" chỉ cần bỏ ra chừng trăm triệu là có vài nghìn phiếu bầu ngon ơ.

Như Minh  30

Vấn đề quản lý thông tin thuê bao trả trước quả thực tại Việt Nam còn nhiều vấn đề lắm. Nhưng cái gì cũng cần có thời gian của nó để hoàn thiện, cho đến khi nào dữ liệu thông tin Thuê bao đồng bộ với Database của Bộ công an thì mới bắt đầu có hiệu lực, hiện tại chưa có cơ quan nào đứng ra xác nhận thông tin khách hàng, kể cả Bộ TTTT và các cơ quan chức năng, theo Bộ TTTT có văn bản ngày 17/9/2008 về xử phạt hành chính lên đến 10 triệu đồng đối với nhà cung cấp dịch vụ Viễn thông không kiểm soát được thông tin cá nhân và đưa ra các mức phạt với các Đại lý, điểm bán, người dùng khai báo thông tin không chính xác trong đó bao gồm kích hoạt SIM qua SMS...nhưng cố gắng làm sai đâu sửa đó và rồi sửa đâu thì sai đó...Vì sao Viettel có số lượng thuê bao khổng lồ như thế đối với một mạng sinh sau đẻ muộn tại Việt Nam, bởi vì đơn cử 01 người cũng có thể sở hữu 10 thuê bao trả trước vì nó rẻ thế mà, mua SIM 60 ngàn thì được 160 ngàn thì tội gì không ai dùng, như anh Hải Nam có sở hữu đến vài số không, tôi nghĩ là có, hehe...chính vì điều này làm lãng phí tài nguyên số quốc gia, trong vấn đề này tôi thấy hiện tại chỉ có EVNTelecom là đang tiết kiệm tài nguyên sô nhất bởi vì 2 lý do:
1. Tiền bỏ ra mua 01 R-UIM mới đắt hơn tài khoản trong R-UIM, vả lại chính sách phát triển của EVNTel đang dựa trên thuê bao trả sau. Còn S-fone tuy dịch vụ gia tăng nhiều hơn nhwung cũng chỉ áp dụng cho thuê bao trả sau, tương tự EVNTel, thử suy nghĩ xem 01 nhà cung cấp dịch vụ Viễn thông chạy theo chỉ số phát triển thuê bao như Viettel đã xin cấp bao nhiêu đầu số mới, trong khi số lượng thuê bao thực là bao nhiêu thì bó tay. Viettel đâu công bố số lượng thuê bao này. Ngay cả ông lớn Vinaphone và Mobifone cũng chào thua mà lại.
2. Mặt khác vì do đặc thù về công nghệ CDMA2000-1x nên Thiết bị đầu cuối chưa đa dạng do sự độc quyền của nhà sản xuất Chip Qualcomm và cũng tại vì do cái "bắt tay" không thành giữa QUALCOMM và NOKIA, chính vì điều này mà số lượng thuê bao của EVNTelecom chưa nhiều.
Cách chấn chỉnh quản lý thuê bao trả trước còn nhiều vấn đề cần giải quyết, chúng ta cùng chờ nhé, phim nhiều tập, càng coi càng hấp dẫn.