Vi phạm bản quyền phần mềm tại Việt Nam đã giảm. (Ảnh minh hoạ: T. Trầm)

Năm 2010 tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm máy tính ở Việt Nam đã giảm nhưng giá trị thương mại của các phần mềm không có bản quyền được cài đặt trên máy tính cá nhân ở Việt Nam lại tăng.

Tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm máy tính ở Việt Nam đã giảm thêm 2% xuống mức 83% trong năm 2010, đánh dấu lần giảm đầu tiên sau 3 năm liên tiếp từ 2007 đến 2009 tỉ lệ này đứng yên ở mức 85%. Tuy nhiên, trong năm 2010, giá trị thương mại của các phần mềm không có bản quyền được cài đặt trên máy tính cá nhân ở Việt Nam lại tăng lên 412 triệu USD so với mức 353 triệu USD trong năm 2009. Đó là một trong số những kết quả theo Báo cáo Điều tra vi phạm bản quyền phần mềm Toàn cầu 2010, do Liên minh Phần mềm Doanh nghiệp (BSA) thực hiện, nhằm đánh giá tình trạng vi phạm bản quyền phần mềm trên toàn thế giới.

“Đây là kết quả của những nỗ lực lớn của chính phủ Việt Nam trong những năm gần đây trong việc cải thiện khung pháp lí nhằm bảo vệ bản quyền phần mềm và tăng cường công tác tuyên truyền cũng như công tác thực thi. Tuy vậy, để giảm tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm của Việt nam xuống mức khu vực là khoảng 60% song song với việc đạt được mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về CNTT thì vẫn còn nhiều việc chính phủ phải làm, kể cả việc xử lí vi phạm ở nhóm người tiêu dùng để nâng cao nhận thức. Điều này sẽ có lợi cho Việt Nam nhờ tăng được Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tăng số việc làm và tăng nguồn thu thuế cho chính phủ, như đã được chỉ ra trong các báo cáo”, ông Đào Anh Tuấn, phát ngôn viên của BSA nhận định.

Theo BSA, báo cáo Điều tra vi phạm bản quyền phần mềm toàn cầu năm nay còn có một nội dung mới. Đó là khảo sát ý kiến công chúng đối với người sử dụng máy tính cá nhân về những thái độ và hành vi của công chúng liên quan đến nạn vi phạm bản quyền phần mềm (do hãng nghiên cứu về các vấn đề xã hội Ipsos Public Affairs thực hiện). Khảo sát này cho thấy có sự ủng hộ cao đối với quyền sở hữu trí tuệ, với 70% đối tượng được khảo sát cho biết sẵn sàng trả phí cho người sáng tạo ra sản phẩm để khuyến khích phát triển tiến bộ công nghệ hơn nữa. Đặc biệt, tỉ lệ ủng hộ quyền sở hữu trí tuệ đạt mức cao nhất ở những thị trường có tỉ lệ vi phạm cao.

Khảo sát cũng cho thấy ý kiến chung là phần mềm có bản quyền có chất lượng tốt hơn phần mềm không bản quyền vì được cho là an toàn và ổn định hơn. Vấn đề hiện nay là nhiều người sử dụng máy tính cá nhân vẫn còn chưa hiểu rõ liệu những phương thức thông thường khi tìm kiếm một phần mềm để sử dụng, như chỉ mua một giấy phép phần mềm duy nhất để sử dụng cho nhiều máy tính hay tải về chương trình phần mềm từ một mạng chia sẻ ngang hàng (P2P network), có phải là hợp pháp hay không hợp pháp.

Đây là bản báo cáo điều tra lần thứ 8 về vi phạm bản quyền phần mềm được tiến hành đánh giá tại 116 nước trên thế giới do BSA phối hợp thực hiện với IDC, hãng nghiên cứu thị trường và dự báo trong ngành CNTT.

Cũng theo kết quả Báo cáo Điều tra vi phạm bản quyền phần mềm Toàn cầu 2010. Tổng giá trị thương mại của các phần mềm bị vi phạm ở khu vực Châu Á Thái bình đương lên đến 18,746 tỉ USD. Tính trên toàn cầu, giá trị phần mềm bị vi phạm đã tăng lên mức kỉ lục 59 tỉ USD, tức là gần gấp đôi so với mức khi điều tra lần đầu vào năm 2003. Một nửa trong số 116 quốc gia và lãnh thổ được điều tra trong năm 2010 có tỉ lệ vi phạm từ 62% trở lên, với tỉ lệ vi phạm bình quân toàn cầu là 42%. Những nền kinh tế mới nổi đã trở thành một yếu tố thúc đẩy vi phạm bản quyền phần mềm. Tỉ lệ vi phạm ở các nước đang phát triển cao gấp 2,5 lần so với những nước phát triển; giá trị thương mại của các phần mềm bị vi phạm (31,9 tỉ USD) chiếm hơn một nửa giá trị vi phạm của toàn thế giới.

Theo Dân Trí




Bình luận

  • TTCN (0)