Thông báo cảnh báo về H1N1 tại sân bay Đài Loan. Ảnh: Reuters.

Thông tin về cúm lợn tràn ngập từ blog, các mạng xã hội ảo như Twitter, Facebook cho đến các phương tiện truyền thông chính thống.

"Với việc số ca nhiễm cúm lợn leo thang nhanh chóng, sự quan tâm mà dư luận dành cho căn bệnh nguy hiểm này cũng thực sự bùng nổ. Người dân đổ xô lên mạng để tìm kiếm thông tin về bệnh, đặc biệt là các triệu chứng điển hình", chuyên gia Heather Hopkins của hãng nghiên cứu Hitwise cho biết.

Cả ba điểm đến là Từ điển bách khoa trực tuyến Wikipedia, công cụ tìm kiếm Google và website của Trung tâm Phòng chống và kiểm soát bệnh dịch Mỹ (CDC) đều ghi nhận hàng triệu lượt tìm kiếm liên quan đến từ khóa "cúm lợn" trong vài ngày qua.

Lấy thí dụ, lượng truy cập vào www.cdc.gov đã nhảy vọt tới 442% trong 5 ngày, và chắc chắn "tỷ lệ này sẽ không dừng lại trong vài ngày tới. Số người ghé thăm website này sẽ còn tăng mạnh, khi mà WHO nâng cấp báo động dành cho cúm lợn lên sát mức đại dịch".

Nhưng như trong bài "Internet toàn cầu sôi sục vì cúm lợn" đã chỉ ra, một số mạng xã hội ảo như Twitter, Facebook đã để lộ mặt trái của chúng và gây nên một tâm lý hoảng loạn thái quá, không cần thiết trong cộng đồng.

"Các mạng xã hội tạo ra cả một "tổ" thông tin mà mỗi chúng ta là những con ông, chui sâu vào tổ để sục sạo. Sau đó, chúng ta quay trở lại với thực tại với thông tin mà ta tìm được", phó Giám đốc Susannah Fox của Pew Research Center cho biết. "Chỉ có điều nhiều người đắm đuối trong tổ quá.... Họ dành quá nhiều thời gian cho Twitter, Facebook và các mạng xã hội kiểu này".

Ảnh
Người người đeo khẩu trang tại Israel. Ảnh: AP.

Tính đến thời điểm này, dòng cúm H1N1 mới đã khiến cho 149 người thiệt mạng tại Mexico. Số ca nhiễm ở Mỹ và nhiều nước khác cũng tăng nhanh, dù chưa có trường hợp nào tử vong.

Mặc dù vậy, sự đưa tin quá dày, quá căng thẳng của giới truyền thông đã góp phần đẩy công chúng tới chỗ bất an và hoang mang.

"Có sự khác biệt rất rõ giữa việc cập nhật thông tin cho độc giả với việc cảm xúc hóa thông tin. Giới truyền thông dường như rất yêu mến những ngày tận thế, kiểu như cúm gà, Y2K và giờ là cúm lợn", blogger Arianna Huffington bình luận.

Sự cân bằng mỏng manh

"Thật dễ để giới báo chí rơi vào chế độ đưa tin "hoảng loạn". Nhưng thường thì những điều tồi tệ mà người ta vẽ vời ra không trở thành hiện thực. Chỉ có điều công chúng đã gào khóc từ trước rồi", Huffington nói thêm.

Giáo sư truyền thông Robert Thompson của Đại học Syracuse, New York cũng đồng tình rằng báo giới cần phải cân bằng giữa việc phản ánh một sự kiện quan trọng với "sự điều độ và chừng mực".

"Đừng nên trầm trọng hóa những vấn đề khó có thể xảy ra hoặc chưa xảy ra. Bạn sẽ không bao giờ lường hết được hậu quả của việc làm đó", ông cảnh báo.

Dường như cánh báo chí chính thống cũng đã kịp nhận ra được điều này. Sau một ngày thứ hai đua nhau đưa tin, bài, phóng sự nóng về cúm lợn, hầu hết các kênh truyền hình cáp lớn tại Mỹ như CNN, Fox News Channel và MNSBC đều đã trấn tĩnh lại.

Họ đã bắt đầu hướng sự chú ý của mình sang sự kiện Thượng nghị sĩ Arlen Specter chuyển từ đảng Cộng hòa sang đảng Dân chủ. "Thật khó để phản ánh toàn diện hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau cùng lúc. Và các hãng truyền hình đã lựa chọn hướng đi an toàn hơn", chuyên gia truyền thông Andrew Tyndall nhận định.

Rõ ràng, nếu như các mạng xã hội ảo không có một bộ não điều hành chính, thì các hãng thông tấn vẫn còn cả một ban biên tập để ngăn chặn tình trạng "loạn tin". Chính vì thế, có vẻ như người dùng cũng đã tỉnh ngộ và hướng đến các nguồn thông tin chính thống nhiều hơn, thay vì ghé thăm các website đang nổi như Twitter.

Theo VietnamNet (AFP)



Bình luận

  • TTCN (0)