Thống kê của Google về top 10 website dẫn đầu trên Internet Việt Nam, trong đó Google dấu số liệu và vị trí của mình.

Các doanh nghiệp nội dung số Việt Nam đang phải gồng mình cạnh tranh với các đại gia như Google, Yahoo, Facebook... Có thể nói không một ngành công nghiệp nào các doanh nghiệp Việt phải trực tiếp cạnh tranh với những người khổng lồ nhất thế giới ngay tại sân nhà của mình.

Số lượng người dùng Internet tại Việt Nam tăng trưởng “thần kỳ” trong hơn 5 năm vừa qua (2004-2009) từ 6,3 triệu lên 20,9 triệu, băng thông quốc tế tăng gần 30 lần, đẩy nhu cầu về nội dung tăng 10 lần. Việt Nam là một trong 20 nước có số người dùng mạng nhiều nhất thế giới.

VINASA dự báo sự tăng trưởng này sẽ vẫn được tiếp tục trong vòng 5 năm tới, và vào năm 2014, sẽ có khoảng 46% dân số Việt Nam sử dụng Internet như một phần quan trọng nhất của cuộc sống, đặc biệt là với những bạn trẻ. Doanh số năm 2014 sẽ lên tới 20.000 tỷ so với con số 2.500 tỷ đồng vào năm 2009.

Sự cạnh tranh không cân sức

Với cùng một tầm nhìn, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài đang tập trung đầu tư cho nội dung và dịch vụ trên nền Internet để chiếm lĩnh thị phần người dùng và doanh thu trong tương lai.

Vì tính chất “không biên giới” của Internet mà sự cạnh tranh tại Việt Nam mang tính chất “toàn câu hóa”. Có thể nói không một ngành công nghiệp nào mà các doanh nghiệp Việt Nam phải trực tiếp cạnh tranh với những doanh nghiệp mạnh nhất, lớn nhất trên thế giới ngay tại sân nhà của mình. Bất kỳ sản phẩm Internet nước ngoài nào cũng có thể cung cấp tại Việt Nam mà không cần bất kỳ giấy phép hay tiến trình thâm nhập thị trường nào, một điều mà không một ngành công nghiệp nào tại Việt Nam phải đối đầu. 

Ví dụ 1: Yahoo, một thương hiệu quá nổi tiếng tại Việt Nam, với hơn 18 triệu người sử dụng 3 dịch vụ chính là Chat (thông qua Y! Messenger), Mail và Blog (Y! 360). Yahoo đạt được một vị trí mà không một doanh nghiệp nào ở Việt Nam có thể mơ ước tới (18 triệu khách hàng) trong khi hầu như không tốn mấy công sức quảng bá hay vận hành sản phẩm tại Việt Nam. Người dùng Internet Việt Nam lựa chọn Yahoo do đây là sản phẩm tiện dụng nhất, và với tính chất lan truyền qua bạn bè, Yahoo trở thành lựa chọn gần như duy nhất mỗi người khi muốn liên lạc với bạn bè qua Internet.

Ví dụ 2: Google, cỗ máy tìm kiếm mạnh nhất trên thế giới, trở thành Search Engine “tuyệt đối” tại Việt Nam do chất lượng quá tốt của mình. Gần như toàn bộ những người dùng Internet tại Việt Nam sử dụng Google để tìm bất kỳ thông tin nào. Với Youtube, website chia sẻ video lớn nhất thế giới (cũng thuộc Google) thì sau khi Google mở đường kết nối riêng 2Gbps tới Việt Nam vào tháng 2-2009 thì Youtube nhanh chóng leo vào top 10 websites đông người truy cập nhất Việt Nam trong một thời gian ngắn kỷ lục (4 tháng). 

Có thể nói dịch vụ nội dung số là sự kết hợp của kỹ thuật và nội dung, và ở cả  hai mảng này, doanh nghiệp nước ngoài chiếm ưu thế tuyệt đối so với doanh nghiệp trong nước. So sánh trình độ kỹ thuật của 1 doanh nghiệp Internet Việt Nam cỡ lớn có khoảng 200 kỹ sư, kinh nghiệm trung bình 3-5 năm làm Internet, mức lương trung bình 5.000USD/năm, với hai ví dụ nêu trên (trung bình 10.000 + kỹ sư, 7-10 năm kinh nghiệm, 100.000 USD/năm). Tuy chất xám không thể so sánh trực tiếp, nhưng so sánh đơn giản trên chỉ cho thấy chúng ta thua xa các đối thủ cạnh tranh trực tiếp về cả lượng và chất, và khoảng cách này hầu như không thể rút ngắn ngay cả trong tương lai xa. 

Về mặt nội dung, thị trường phim ảnh và âm nhạc đã phản ánh phần nào khả năng cạnh tranh về mặt nội dung của doanh nghiệp Việt Nam so với các doanh nghiệp quốc tế. Ngoại trừ yếu tố “Việt Nam” là lợi thế duy nhất, các doanh nghiệp còn rất chật vật trong việc tạo ra nội dung hấp dẫn, chuyên nghiệp và với khối lượng lớn.

Ở mảng game, các game sản xuất ở nước ngoài (chủ yếu từ Trung Quốc và Hàn Quốc) độc chiếm thị trường và các nhà phát hành game Việt Nam phải mất một phần khá lớn của doanh thu trả tiền bản quyền. Một số nhà phát hành đã bắt đầu đầu tư vào khâu sản xuất game (ví dụ VinaGame với sản phẩm Thuận Thiên Kiếm), nhưng để chiếm lĩnh lại thị phần từ các game nhập khẩu là một đoạn đường chưa thấy lối ra, trừ phi có chính sách bảo hộ của nhà nước (như trường hợp “Giờ Vàng Phim Việt” trên các kênh truyền hình).

Cần sự ủng hộ của công chúng 

Để tạo ra lợi thế cạnh tranh ngắn hạn với nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước chỉ còn trông chờ vào chính sách bảo hộ, khuyến khích của nhà nước, đặc biệt là sự ủng hộ của công chúng với mặt hàng nội địa. Về lâu dài, phải đào tạo nguồn nhân lực của cả ngành công nghiệp.

Nhưng tiếc thay, các doanh nghiệp Việt Nam càng thua kém đối thủ cạnh tranh nước ngoài ở các chiến tuyến này. Tưởng tượng đội tuyển bóng đá Việt Nam thi đấu với tuyển Brazil trên sân Hàng Đẫy, chiến thuật, kỹ thuật và thể lực đã thua xa đối thủ. Hai hy vọng duy nhất là trọng tài “gà nhà” và sự ủng hộ của khan giả lại… tập trung vào tuyển Brazil. Thực tế đang diễn ra như vậy cho các doanh nghiệp nội dung số tại Việt Nam.

Các chính sách khuyến khích Internet phát triển của chính phủ trong 5 năm vừa qua, có thể nói đã tạo nên bước nhảy thần kỳ cho số lượng người dùng Internet tại Việt Nam. Tuy nhiên, các chính sách về quản lý nội dung và thông tin trên Internet hiện tại lại là một lợi thế lớn cho các doanh nghiệp nước ngoài. 

Ví dụ 1: Theo chính sách quản lý Internet hiện tại, để có thể cung cấp email hay chat, nếu Yahoo là một doanh nghiệp Việt Nam thì sẽ phải xin giấy phép OSP, và phải được đoàn kiểm tra liên ngành chứng nhận đủ điều kiện cung cấp dịch vụ. Là một doanh nghiệp nước ngoài, Yahoo nghiễm nhiên… không phải xin bất kỳ giấy phép nào. 

Ví dụ 2: Do chính sách quản lý thông tin trên Internet, bất kỳ doanh nghiệp Việt Nam nào vô tình hay cố ý để những nội dung xấu (như sex, chính trị) trên các trang web do mình quản lý, sẽ bị những hình phạt rất nặng, và hoàn toàn có thể bị đóng cửa hoạt động. Tuy nhiên, chính sách quản lý nội dung này không thể áp dụng với các doanh nghiệp nước ngoài, và nghiễm nhiên người dùng Internet Việt Nam sẽ thích sử dụng các dịch vụ nước ngoài hơn.

Tâm lý chung của người tiêu dùng Việt Nam là thích “đồ ngoại”, và với các sản phẩm Internet thì điều này càng thể hiện một cách rõ ràng hơn. Tuy nhiên, tâm lý “sùng ngoại” và không tin tưởng vào chất lượng cũng như dịch vụ sản phẩm đã tạo ra một rào cản rất lớn cho các doanh nghiệp trong nước tiếp cận người tiêu dùng.

Theo một thống kê “bỏ túi” của VinaGame, số tin về các dịch vụ Internet của nước ngoài trên các trang báo lớn của Việt Nam xuất hiện với tần suất gấp 10 lần so với các dịch vụ Internet Việt Nam, và đa số các trang báo lớn Việt Nam đều rất trân trọng những dịch vụ Internet nước ngoài, trong khi chưa đánh giá cao các doanh nghiệp nội địa.

Một điều dễ hiểu là các dịch vụ nước ngoài khi phổ biến tại Việt Nam đều đã là những dịch vụ nổi tiếng, chất lượng cực tốt. Nhưng trước khi trở thành dịch vụ nổi tiếng thì bản thân họ cũng phải trải qua một thời gian dài phát triển và quảng bá sản phẩm tại thị trường nội địa của họ. Việc tôn sùng quá mức các sản phẩm và dịch vụ Internet nước ngoài đã vô hình chung tạo một mặc cảm và tâm lý khá tự ti cho các doanh nghiệp nội địa, cũng như tâm lý sản phẩm Việt Nam chủ yếu là “ăn cắp ý tưởng” và “kém chất lượng”.

(Theo Tuổi trẻ online)



Bình luận

  • TTCN (0)