Khuynh hướng thâm nhập công nghệ "từ nhà đến sở" bắt đầu từ sự trỗi dậy của các thiết bị di động...

Thay vì “từ sở về nhà” như trước đây, thế giới chúng ta đang chứng kiến khuynh hướng thâm nhập công nghệ ngược trở lại: đó là “từ nhà đến sở”.

Từ nhà đến sở...

“Trước đây, đúng lí thì các công nghệ có khuynh hướng nảy sinh từ mảng doanh nghiệp rồi phổ biến về các gia đình nhưng giờ đây, thế giới đang chứng kiến khuynh hướng thâm nhập công nghệ ngược lại: các công nghệ sử dụng trong các thiết bị tiêu dùng, trước hết là trong máy tính bảng và smartphone đang thâm nhập từ thế giới tiêu dùng vào các hệ thống của các doanh nghiệp. Như vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất là phải ứng dụng đúng các công nghệ này vào môi trường công ty, “điểm danh” các thiết bị di động vào hạ tầng CNTT của doanh nghiệp”, ông Tagir Yapparov, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty “AiTy” nói khi khai mạc Hội nghị “Ngày di động cho doanh nghiệp” tổ chức mới đây ở Moskva (Thủ đô Nga). Hội nghị có nhiệm vụ nêu bật các nhiệm vụ và giai đoạn then chốt trong quá trình tích hợp thiết bị di động và các ứng dụng vào hạ tầng CNTT doanh nghiệp cũng như phổ biến các kinh nghiệm, cách thức, ý tưởng hay nhất trong việc “di động hoá” doanh nghiệp.

Theo bà Natalya Gorina, Giám đốc bộ phận nghiên cứu của Công ty Marketvisio, đại diện tại Nga của hãng Gartner, hiện thời đang là lúc diễn ra sự xoá nhoà ranh giới giữa các thiết bị cá nhân và của các công ty, còn người dùng thì đang tiếp cận với các dịch vụ kinh doanh chủ yếu từ kinh nghiệm bản thân nên cũng đang có những đòi hỏi công nghệ tựa như trong đời tư vậy: Đầu tiên là công nghệ phải thật đơn giản và thật thuận tiện trong sử dụng; tốc độ xử lí phải tương ứng với nội dung mà họ chờ đợi… Đó là tất cả những thứ đang được thiết bị di động đảm bảo cho người dùng.

Bà Gorina lưu ý, không thể không tính tới yếu tố thị trường thiết bị di động đang gia tăng nhanh chóng. Chỉ trong 2 năm trở lại đây, theo dự báo của Gartner, có tới 200 triệu máy tính bảng và 250 triệu smartphone đã xuất xưởng. Hơn nữa, đây không chỉ nói về sự phát triển của các model thiết bị đã có mà cũng nói về sự xuất hiện của những model hoàn toàn mới. Trong những khuynh hướng đáng kể nhất, bà Gorina lưu ý tới sự xuất hiện của các dịch vụ mới, trong đó có các dịch vụ thanh toán di động, sự phát triển của các mạng LTE và sự tích hợp các công nghệ di động thành các thiết bị người dùng rất khác nhau từ máy chơi trò chơi đến thiết bị dùng trên xe hơi.

Chấp nhận quá trình “người dùng hoá CNTT” là không thể đảo ngược, các nhà lãnh đạo CNTT ngay từ hôm nay phải bắt tay ngay vào phát triển kế hoạch, chiến lược riêng về việc ứng dụng công nghệ di động vào doanh nghiệp. Theo bà Gorina, sự phát triển vũ bão của các thiết bị di động đã dẫn đến sự thay đổi trong các nhiệm vụ ưu tiên của các CIO. Nếu như trong các năm 2008 – 2009, việc "kết nạp" các thiết bị di động vào hệ thống hạ tầng CNTT của doanh nghiệp chỉ xếp thứ tự 12 trong các nhiệm vụ ưu tiên giải quyết của CIO thì sang năm 2010, các CIO được hỏi đã đặt việc này lên ưu tiên thứ 6, còn trong năm 2011 này, công nghệ di động cùng với điện toán đám mây và ảo hoá đang tạo thành nhóm 3 ưu tiên hàng đầu về CNTT trong các công ty! Theo số liệu của Công ty Marketvisio, di động là yếu tố đã được nâng lên tầm chiến lược ở 1/4 số công ty ở Nga hiện nay.

Kế hoạch cần thiết

Bà Gorina khuyên các CIO bắt đầu phát triển kế hoạch hành động của mình bằng việc chấp nhận yếu tố khách quan là các nhân viên sẽ càng ngày càng di động hơn và họ sẽ ngày càng đòi hỏi hỗ trợ CNTT nhiều hơn. Kết nối di động, làm việc nhóm và mạng xã hội sẽ đều trở thành nhu cầu quan trọng của mỗi doanh nghiệp. Theo bà, nhiệm vụ hàng đầu là xác định hướng chiến lược đảm bảo an toàn thông tin và truy cập thông tin doanh nghiệp từ các thiết bị di động cá nhân. Trong vòng 12 tháng sắp tới, các CIO phải giải quyết “cuộc chiến của các nền tảng” và kiềm chế sự "tấn công" của các ứng dụng mới, trong đó có ứng dụng ở tầm mức doanh nghiệp trên các thiết bị di động và nền tảng khác nhau.

Trong những điều kiện này, nhà phân tích của Gtartner khuyến nghị nghiên cứu các ứng dụng không lệ thuộc nền tảng và chọn các công nghệ di động dựa trên thăm dò cùng nhu cầu trực tiếp của người dùng. Chính các CIO, theo bà Gorina, đang chờ đợi rằng, trong tương lai, họ buộc phải hỗ trợ trung bình 3,5 nền tảng cho smatphone và máy tính bảng, còn mô hình BYOD (Bring Your Own Device – Dùng thiết bị riêng) sẽ tương đương 20% thiết bị sử dụng để giải quyết các bài toán kinh doanh của doanh nghiệp.

Hiện tại, Giám đốc Trung tâm di động doanh nghiệp của Công ty AiTy Sergei Orlik lưu ý là có thể cần đề cập tới 4 nền tảng di động sẽ tác động đến nền tảng chung của doanh nghiệp. Đó là Android, iOS, BlackBerry và Windows. Trong đó, khi nói về nền tảng Windows là phải nói đến Windows 7 “cổ điển” cùng Windows Phone cũng như phải tính tới Windows 8 sắp ra lò, Orlik nói. Theo ông, việc ứng dụng các công nghệ di động buộc phải được giải quyết trên 3 mức: nền tảng doanh nghiệp - an toàn thông tin, hạ tầng và các hệ thống ứng dụng.

Trong lĩnh vực an toàn thông tin, phải đảm bảo ít nhất hai thứ là ngăn ngừa rò rỉ thông tin (trong đó có cả việc giải quyết chuyện nhân viên chuyển sang làm cho công ty khác) và kiểm soát truy cập và kiểm soát hệ thống lưu file từ các thiết bị di động, cũng như phải khuyến cáo sử dụng các ứng dụng và nguồn gốc của các ứng dụng đó. Cùng với việc ứng dụng các thiết bị di động, ông Orlik lưu ý, phải nhìn vào hạ tầng CNTT doanh nghiệp dưới một góc mới, đánh giá nghiêm khắc tính sẵn sàng của nó cho việc ứng dụng. Và, cuối cùng, bước quan trọng hơn cả là ứng dụng những công nghệ mới trên tầm mức các hệ thống ứng dụng.

Liên quan đến tất cả

Ứng dụng công nghệ di động là một trong những quá trình được thu hút nhân viên ở các cấp độ khác nhau, theo Orlik. Ngoài các bộ phận CNTT và bảo mật, trong công cuộc “di động hoá” còn có sự tham gia trực tiếp của ban lãnh đạo, các bộ phận và dịch vụ khác nhau của công ty, kể cả bộ phận nhân sự. Do công việc huy động trực tiếp tới cả lãnh đạo cấp cao nhất, cần phải có sự hoà hợp lợi ích của nhiều bộ phận cũng như tính tổ hợp và mức độ quan trọng của bài toán công nghệ. Từ đó thành lập một nhóm chuyên gia theo sát đề tài “di động hoá” và hỗ trợ giải pháp hệ thống trong từng vấn đề cụ thể.

Cách tiếp cận hệ thống được hiểu trước hết là khả năng nhận dạng các nhân vật quan tâm và các bộ phận của công ty, xác nhận các mục tiêu hiện tại và trong tương lai cùng các yêu cầu của doanh nghiệp cũng như thu thập và tổng hợp ý kiến của người dùng quan tâm – nghĩa là lựa chọn quan niệm “di động hoá” doanh nghiệp có giá trị. Cũng cần xác định các ưu tiên trong lĩnh vực nguồn lực và hệ thống thông tin doanh nghiệp đang đòi hỏi được truy cập di động. Quan trọng là thiết lập cân bằng giữa đòi hỏi về an toàn với nhu cầu của doanh nghiệp, Orlik lưu ý.

Giai đoạn tiếp theo có thể phát triển kế hoạch chiến lược về đảm bảo tính di động, lựa chọn nền tảng di động và kiến trúc cơ sở - giải pháp công nghệ. Sau đó, phải soạn thảo chính sách tổ chức – kĩ thuật và quy tắc đảm bảo tính di động có tính tới mô hình BYOD và các đòi hỏi an toàn thông tin. Và, chỉ sau đó mới bắt đầu trực tiếp triển khai các quá trình và giải pháp đảm bảo tính di động.

Theo PCWorld VN




Bình luận

  • TTCN (0)