Nhiều công nghệ đã bùng nổ trong cả năm 2007 như Facebook, iPhone và Nintendo Wii. Liệu cái tên nào sẽ làm mưa làm gió trên mặt báo của 12 tháng tới? Dưới đây là dự đoán của các chuyên gia BBC News.

1. Web di động

Một trong những nhược điểm lớn nhất của ứng dụng Web, ấy là chỉ có thể sử dụng chúng khi ta có một kết nối Internet bên cạnh. Mặc dù khái niệm Internet di động đã trở nên gần gũi hơn, song vẫn còn xa lắm mới có thể dùng đến hai từ "phổ biến".

Tuy nhiên, cũng đã có một số công cụ làm phai nhòa dần ranh giới giữa thế giới thực với thế giới mạng. Lấy thí dụ, gã khổng lồ tìm kiếm Google giới thiệu bộ ứng dụng Gears, trong khi Adobe phát hành Air.

Không chịu thua kém, Microsoft cũng trình làng Silverlight. Cả ba công nghệ này đều có khả năng xử lý các nội dung web giàu tính multimedia, và thậm chí có thể "offline hóa" một số nội dung.

Chẳng hạn, sử dụng Air, eBay đã phát triển một ứng dụng desktop cho phép người dùng hoàn tất phần lớn thủ tục đăng ký tham gia đấu giá mà không cần truy cập vào mạng. Trong khi ấy, Silverlight lại cho phép phát triển các ứng dụng desktop chạy được trong môi trường trình duyệt Web. Google Gears tuy không cho phép tạo lập ứng dụng mới, nhưng lại cho phép đưa ứng dụng Web ra thế giới offline.

Theo BBC, năm 2008 chắc chắn sẽ chứng kiến sự ra đời của một làn sóng ứng dụng dựa trên 3 công cụ nói trên, tất cả nhằm hướng đến một "kỷ nguyên điện toán liền mạch, không giới hạn đích thực".

2. Máy tính siêu di động

Khá nhiều thiết bị đã cố gắng lấp đầy khoảng cách giữa PDA với máy tính xách tay trong suốt thời gian qua, nhưng chưa từng có phát minh nào thành công. Song 2008 rất có thể sẽ là năm "cất cánh" của máy tính siêu di động (UMPC).

Những mẫu UMPC đầu tiên đã được công bố từ năm 2006, nhưng do giá thành cao và tuổi thọ pin quá hẻo nên chưa bao giờ tiếp cận được với thị trường đại trà.

Mặc dù vậy, đến cuối năm 2007, một series sản phẩm mới đã nối gót nhau xuất xưởng, với hy vọng sẽ làm nên chuyện trong 12 tháng tới.

Được nhắc đến nhiều nhất chính là Asus EEE, một loại laptop có kích cỡ chỉ tương đương cuốn sổ tay và giá thành thì chưa đến 200USD. EEE cài đặt hệ điều hành nguồn mở Linux và nặng chưa tới 1kg. Để giảm bớt trọng lượng, EEE không trang bị ổ cứng mà thay thế bằng bộ nhớ flash 4GB.

Tuy dung lượng lưu trữ này hơi khiêm tốn, song công nghệ flash lại đang là mốt thời thượng trên thị trường PC thế giới. Gần đây, hãng điện tử khổng lồ Samsung đã trình diễn một con chip nhớ flash lưu được tới 12GB dữ liệu. Chính vì thế, nhược điểm về dung lượng của flash trước ổ cứng chẳng bao lâu nữa sẽ được xóa nhòa.

Hãng điện tử Đài Loan Asus đã "mạnh dạn" dự đoán sẽ bán được 5 triệu sản phẩm này trong năm 2008, bất chấp tin đồn Apple sẽ tung ra một mẫu Macbook siêu mỏng, sử dụng bộ nhớ flash cũng trong năm nay.

3. IPTV

Truyền hình Internet đã rộ lên từ vài năm nay, nhưng vẫn chưa thể thực sự cất cánh vì tốc độ băng thông chưa đủ nhanh để mang đến một dịch vụ đáng tin cậy, chất lượng cao.

Hiện tại, hơn một nửa số hộ gia đình tại Anh, Mỹ và các nước phát triển đã có kết nối băng thông rộng, với tốc độ trung bình là 4 Mb/giây.

Đấy là chưa kể tốc độ này càng ngày càng được cải thiện, nhất là khi ADSL 2+ được đưa vào triển khai chính thức kể từ năm 2009, hứa hẹn tốc độ băng thông lên tới 24 Mb/giây.

Hệ quả là các dịch vụ truyền hình Internet bắt đầu nở rộ như nấm sau mưa. Bên cạnh một số dịch vụ đã có tên tuổi như BT Vision, Virgin Media, một số mạng viễn thông cũng đã nhảy vào cuộc. Sau khi hoạt động thành công tại CH Séc, mạng di động O2 cũng dự tính khai trương một dịch vụ tương tự tại Anh trong năm nay.

4. WiMax

Tuy PC World xếp WiMax là một trong 13 nỗi thất vọng của làng CNTT thế giới năm 2007, nhưng các chuyên gia của BBC lại đánh giá đây là công nghệ có thể làm nên chuyện trong năm 2008.

Về bản chất, WiMax là một công nghệ không dây có thể cung cấp kết nối tốc độ cao ở khoảng cách xa (hơn hẳn Wi-Fi).

Tại Mỹ, WiMax nhận được sự hậu thuẫn của nhiều đại gia công nghệ như Sprint và Intel, mặc dù một số dự án triển khai mạng này đã bị hoãn lại vô thời hạn do quá đắt đỏ.

Một số nước đang phát triển như Nigeria, Việt Nam cũng đang rục rịch thử nghiệm công nghệ này.

Tại châu Âu, WiMax chưa bao giờ được chú ý, nhưng theo nhà phân tích Mike Roberts của Informa Media, tình hình có thể thay đổi 180 độ trong năm tới. "Đây có thể là năm đầu tiên mà nhiều dự án WiMax quan trọng được xây dựng tại châu Âu".

5. VoIP di động

Không người dùng Internet nào còn xa lạ với thuật ngữ VoIP nữa, bởi nó cho phép họ tiến hành các cuộc gọi giá rẻ đi khắp nơi trên thế giới miễn là có kết nối Internet và máy tính. Mặc dù vậy, việc đưa công nghệ này đổ bộ xuống địa hạt ĐTDĐ vẫn còn rất chông gai.

"Tuy nhiên, 2008 có thể là năm cất cánh của VoIP di động. Cuối năm 2007, mạng di động 3 đã tung ra một chiếc điện thoại Skype, cho phép khách hàng sử dụng dịch vụ VoIP hệt như khi dùng máy tính". Bản thân Nokia cũng đã xuất xưởng 4 mẫu ĐTDĐ tương thích với Skype.

Tuy nhiên, kể cả khi có được sự hậu thuẫn của những đại gia như Nokia, không phải ai cũng tin rằng 2008 là năm của VoIP di động. "VoIP di động vẫn đang ở giai đoạn trứng nước. Nó sẽ phát triển chậm chứ khó bùng nổ", nhà phân tích Mike Roberts của Informa Media nhận định.

(Theo Trọng Cầm - Vietnamnet/BBC)



Bình luận

  • TTCN (0)