Siêu máy tính HERToR . Nguồn Reuters
Một chiếc siêu máy tính có thể giúp thỏa mãn những yêu cầu lớn nhất của các nhà khoa học sẽ được cho ra mắt vào hôm thứ hai.

Với khả năng tương đương với 12 000 chiếc máy tính để bàn, cỗ máy "ma mút" có tên là HECToR này là chiếc máy tính nhanh nhất ở Anh và là một trong những cỗ máy mạnh mẽ nhất châu Âu.

Nó có thể xử lí được 63 triệu phép tính trong một giây. Điều này cho phép các nhà khoa học có thể tiến hành các nghiên cứu của mình trên mọi lĩnh vực từ các nghiên cứu về sự thay đổi thời tiến cho đến các vấn đề trong y học hiện đại.

Cỗ siêu máy tính này được đặt trong 60 hộp chứa mà mỗi hộp chứa có kích thước tương đương một chiếc tủ quần áo. Hiện cỗ máy này được đặt tại trung tâm máy tính của Đại học Edinburgh nằm gần thủ đô của Scotland.

Sau nhiều năm mong đợi, cỗ máy trị giá 113 triệu bảng Anh này cũng được ra đời, đem lại nhiều hi vọng cho các nhà khoa học.

"HECToR sẽ cho phép chúng ta tiến hành các nghiên cứu mà chúng ta không thể thực hiện nổi theo những cách thông thường" Jane Nicholson, một thành viên của Hội đồng Nghiên cứu Khoa học Vật lí (đơn vị chịu trách nhiệm quản lí dự án) đã nói như vây.

"Chúng tôi muốn đi đến tận cùng của sự hiểu biết"

Các nhà nghiên cứu có thể tận dụng khả năng tính toán siêu việt của chiếc máy này để nghiên cứu các dòng hải lưu, xây dựng các phần tử vi mô của các máy tính hiện đại và tính toán để tạo ra các khả năng tàng hình cho các vật thể đối với radar.

Ngoài ra nó còn phục vụ cả cho các nghiên cứu về bán dẫn, động cơ đốt và vật liệu mới.

Đồng thời, các nhà khoa học làm việc trong các lĩnh vực từ vũ trụ học, vật lý nguyên tử cho đến cả các mô phỏng thảm họa cũng có thể sử dụng cỗ máy HERToR này.

HECToR là từ viết tắt của "High-End Computing Terascale Resource". Nó được chế tạo bởi một công ti sản xuất của Mĩ có tên Cray Inc.

Mặc dù có năng lực mạnh mẽ như vậy nhưng HERToR vẫn phải nhường ngôi vị quán quân cho chiếc siêu máy tính lớn nhất thế giới có tên Blue Gene/L được đặt tại phòng thí nghiệm quốc gia Hoa Kì Lawrence Livermore. Chiếc Blue Gene/L được phục vụ cho việc nghiên cứu các vũ khí hạt nhân mà không cần đến các thử nghiệm tiến hành ở dưới sâu lòng đất.

Quang Minh (theo Reuters)



Bình luận

  • TTCN (0)