Nhiều lần phải đổi điện thoại vì lý do không dùng được, chờ đợi kéo dài và mất thời gian truy tìm cho ra... chủ tiệm để đòi lại tiền cọc là bài học đắt giá mà những người sử dụng dịch vụ cho thuê điện thoại phải trải qua

"Cho thuê điện thoại đời mới, 100.000 đồng/tháng”- băng-rôn quảng cáo đầy hấp dẫn cũng là bảng hiệu của cửa hàng cho thuê điện thoại di động tại số 139 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1- TPHCM tồn tại chưa được nửa năm thì... biến mất không kèn không trống.

Thiên đường không như quảng cáo

Theo lời quảng cáo của các tân sinh viên Trường ĐH KHXH-NV TPHCM, tôi đến “thiên đường” của những cô cậu có thói quen thay điện thoại di động như thay áo này. Tọa lạc trên trục lộ chính của thành phố, lại được trang bị cửa kính bóng lộn, bên trong dãy tủ kính, hàng trăm chiếc điện thoại kiểu dáng lạ mắt nằm kiêu kỳ trên lớp vải nhung óng mượt càng khiến các thượng đế tò mò. Chỉ tay vào chiếc điện thoại di động có kiểu dáng và màu sắc tương tự chiếc điện thoại Nokia 5300, cô nhân viên xinh đẹp giới thiệu: Anh, chị dùng thử máy này đi, vừa nghe nhạc, chụp hình được, lại chơi game chuyên nghiệp nữa. Mất chỉ 100.000 đồng/tháng, được sử dụng máy điện thoại di động thời trang mà không bị lỗ tiền khi đổi máy là những lý do khiến cô nhân viên này thuyết phục được khách hàng.

Trao cho tôi chiếc điện thoại màn hình cảm ứng, chơi game chuyên nghiệp của một thương hiệu lạ hoắc, xuất xứ từ Trung Quốc, cô nhân viên cảnh báo: “Trong thời gian sử dụng dịch vụ, nếu máy rớt nước, va đập, cửa hàng sẽ không lấy lại máy, trừ khi có lỗi phần mềm”. Trao 2 triệu đồng tiền cọc, tương ứng với giá trị của chiếc máy, bản hợp đồng của chúng tôi được lập ra nhanh chóng. Lúc này, tôi mới biết, mức giá 100.000 đồng/tháng chỉ áp dụng cho người thuê máy từ 3 tháng trở lên. Với khách hàng thuê ngắn hạn, mức phí phải trả là gấp đôi, nghĩa là 200.000 đồng/tháng. Nháy mắt tôi, anh bạn đi cùng cảnh báo: “Hên xui đấy nhé!”.

Hành trình... đổi máy

Quả là “hên xui” thật, khi vừa sử dụng được một buổi, chiếc điện thoại “chơi game chuyên nghiệp” theo lời quảng cáo của cô nhân viên đã chính thức... nghỉ việc, tự động tắt nguồn, không cách gì khởi động được. Mang chiếc điện thoại đình công đến cửa hàng, các nhân viên ở đây nhiệt tình giới thiệu các mẫu điện thoại khác cho tôi chọn lựa. Chọn cho mình chú dế màu xanh, kiểu dáng hệt chiếc điện thoại Motorola KRZR, tôi khấp khởi mừng thầm vì với loại máy đời mới này, tôi phải bỏ ra ít nhất là 4 triệu đồng mới có thể sử dụng được. Lần này, đích thân cô nhân viên tư vấn: “Anh đem dán keo điện thoại lại nhé, lúc trả máy cũng dễ dàng hơn cho tụi em” (?!). Sau khi chiếc điện thoại thuê của tôi được bọc keo trong kỹ lưỡng, tôi mới giật mình vì phát hiện pin của chiếc điện thoại lộng lẫy này chỉ cho phép tôi dùng trong vòng... 3 giờ. Hành trình quay lại cửa hàng đổi máy của tôi lại phải tiếp tục để có chiếc điện thoại dùng được. Khi đến nơi, tôi lại mất cả giờ chờ đợi vì một khách hàng khác đang phản ứng dữ dội vì không lấy lại được tiền cọc. Lúc này, thái độ của các nhân viên trở nên cứng rắn hẳn: “Máy chị dùng đã bị rớt, có dấu trầy nứt, chị phải mua luôn máy”.

Nhận về chiếc điện thoại đầy chữ Tàu, giới thiệu các chức năng quay video, nghe nhạc âm thanh hifi... tôi chỉ còn trông mong nó thực hiện được các cuộc gọi và nhắn tin bình thường. Đáp ứng trông đợi của tôi, chiếc điện thoại này nghe, gọi tốt ngoại trừ việc không biết rung và âm lượng chuông thì cực kỳ khẽ khàng! Dở khóc dở cười đem điện thoại đến cửa hàng lần thứ tư , tôi nhận được thông báo: “Các máy cùng giá đã cho thuê hết, nếu muốn đổi máy, tôi phải bù thêm tiền cọc”. Khi tôi ngỏ ý muốn trả máy, chấp nhận trả hết số tiền thuê máy trong vòng một tháng để lấy lại tiền cọc, cô nhân viên nhí nhảnh: “Nếu quý khách không muốn dùng máy, có thể gởi trả nhưng tiền cọc thì đến đúng hạn hợp đồng, chúng tôi mới thanh toán được”.

Khách hàng chịu thiệt

Nhìn chiếc điện thoại “made in Trung Quốc” của tôi, một chủ cửa hàng kinh doanh điện thoại di động trên đường Hùng Vương, TPHCM cười ngất: “Mấy cái điện thoại đẹp mã này đem ra ngoài bán được 600.000 đồng đã là chuyện lạ, làm gì đến mức 2 triệu đồng”. Anh tiết lộ, thực ra, đây là cách huy động vốn của các tay chủ cửa hàng người Hồng Kông. Chỉ cần bỏ ra vài chục mẫu điện thoại di động giá rẻ cộng với mặt bằng lộng lẫy, những ông chủ này dễ dàng lấy tiền của người thuê máy để xoay vòng kinh doanh không phải trả lãi suất. Do vậy, chỉ có khách hàng là chịu thiệt. Trao đổi với chúng tôi, N. Trinh, nhân viên một cửa hàng cho thuê điện thoại, khẳng định: “Tiền ông chủ giữ hết, cửa hàng không có tiền nên khách muốn đòi tiền cọc lại cũng không được”. Cô cho biết thêm, chuyện khách hàng phản ứng, chửi rủa, đòi tiền tại cửa hàng xảy ra như cơm bữa nhưng do hợp đồng đã quy định là không trả tiền trước thời hạn nên khách hàng có kiện cũng không làm gì được.

Tuy vậy, sau một tháng đợi chờ hết hạn hợp đồng, tôi quay lại cửa hàng để trả máy thì hỡi ôi, cửa hàng đã dọn đi từ lúc nào. Đồng cảnh ngộ với tôi, hàng chục khách hàng đến địa chỉ 139 Nguyễn Thị Minh Khai trả máy cũng nhớn nhác vì không biết phải lấy lại tiền của mình tại đâu. Gọi thử số điện thoại di động chủ cửa hàng trao cho chủ nhà, mới biết, thuê bao này đã ngưng sử dụng. Dò la xung quanh mãi, tôi mới tìm được địa chỉ một cửa hàng cho thuê điện thoại di động mới khai trương tại địa chỉ 366 Tân Sơn Nhì, Tân Phú - TPHCM. Vẫn với những tủ kính bóng lộn, những kiểu điện thoại đẹp mắt nhưng chất lượng thì trời ơi, các nhân viên quen thuộc của cửa hàng lại tiếp tục chào mời khách thuê điện thoại giá rẻ. Thấy “khách quen”, cô nhân viên tiếp thị nhìn tôi cười lỏn lẻn: “Cửa hàng đổi chủ, anh thông cảm cho em vài tuần nữa, em mới có tiền gửi lại anh tiền cọc”. Khi tôi đặt vấn đề tại sao không thông báo việc đổi địa chỉ kinh doanh, cô nhân viên này hồn nhiên: “Bao nhiêu khách hàng, làm sao chúng tôi báo hết được” (?!).

Bức xúc với cách kinh doanh lừa đảo này, nhiều khách hàng đã phải nhờ đến sự can thiệp của công an khu vực mới nhận được tiền của mình nhưng cũng phải chờ đến vài tuần sau đó. Vừa kiểm tra lại tiền, khách hàng T. Phương, Q.10 - TPHCM tỏ vẻ ngán ngẩm: “Ham thuê điện thoại thời trang nên dễ bị lừa quá!”. Chị T. Phương chỉ là một trong số khách hàng may mắn tìm được địa chỉ mới của cửa hàng. Vẫn còn rất nhiều khách hàng khác phải ngậm bồ hòn làm ngọt vì cách “biến mất” đột ngột của cửa hàng kinh doanh dịch vụ này. Mỗi ngày, các nhân viên vẫn tiếp tục nhận thêm khách hàng, không biết sẽ có thêm bao nhiêu nạn nhân của dịch vụ huy động vốn trá hình này phải trả giá.

(Theo NLĐO)



Bình luận

  • TTCN (0)