Thị trường dịch vụ hội nghị truyền hình qua Internet trở nên sôi động hơn hẳn sau khi một loạt cơ quan Nhà nước tăng cường sử dụng phương thức này

Thị trường dịch vụ hội nghị truyền hình qua Internet trở nên sôi động hơn hẳn sau khi một loạt cơ quan nhà nước tăng cường sử dụng phương thức này để tiết giảm chi phí.

Chủ trương đúng đắn của Chính phủ

Ngày 27/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng lần đầu tiên tiến hành giao ban trực tuyến để đánh giá tình hình thực hiện kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội. Cuộc giao ban trực tuyến được thực hiện tại 8 điểm cầu là Hà Nội, TP.HCM, Nghệ An, Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đắc Lắc và Cần Thơ.

Trước sự kiện này, Thủ tướng đã có chỉ đạo, Chính phủ sẽ tăng cường họp trực tuyến, giảm dần các hội nghị "offline" nhằm tiết kiệm chi phí. Theo ông Nguyễn Công Hóa, Giám đốc Trung tâm Tin học của Văn phòng Chính phủ, năm 2008 Văn phòng Chính phủ sẽ chi khoảng 15 tỷ đồng mua sắm thiết bị họp qua mạng.

Bước đi tiên phong của Chính phủ tạo ra hiệu ứng dây chuyền ở các chính quyền địa phương và bộ ngành. Ông Võ Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Ninh cho hay tỉnh này vừa thử nghiệm giao ban qua mạng tại 8 đơn vị trong khối cơ quan Đảng để đánh giá hiệu quả kinh tế. Kết quả ban đầu cho thấy hội nghị từ xa rất phù hợp với vị trí địa lý trải rộng trên 300 cây số của Quảng Ninh. Vì vậy, lãnh đạo tỉnh quyết định nhân rộng giao ban từ xa trên toàn tỉnh trong năm nay.

Cũng trong năm nay, một loạt tỉnh như Lào Cai, Đắc Lắc, Nghệ An, Đà Nẵng và TP.HCM được Chính phủ yêu cầu thực hiện giao ban điện tử giữa các ủy ban tỉnh với các sở ban ngành và quận huyện làm mô hình mẫu để nhân rộng tới những địa phương khác.

Theo ông Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục CNTT (Bộ GD-ĐT), lãnh đạo Bộ vừa chỉ thị giảm 50% số lượng cuộc họp truyền thống để chuyển sang họp trực tuyến qua Internet. Trên thực tế, Bộ GD-ĐT đã tiến hành giao ban trực tuyến từ năm 2004, từ đầu năm đến nay, Bộ GD-ĐT đã triển khai 4 cuộc giao ban trực tuyến. Ông Ngọc tính toán rằng, một cuộc họp với số lượng 1.000 người, trong đó có 300 người ở xa đến sẽ tiết kiệm được 1,2 tỉ đồng nếu làm trực tuyến. Và có đến 70-80% các cuộc họp hiện nay có thể chuyển sang hình thức hội nghị truyền hình qua mạng.

Có thể tăng tới 200%

Ông Lương Mạnh Hoàng, Phó Tổng giám đốc Công ty Viễn thông Liên tỉnh (VTN) nhận định, việc Chính phủ tăng cường giao ban qua mạng là sự đổi mới về cung cách làm việc, tiết kiệm đáng kể chi phí ăn ở, đi lại, khách sạn và cả về mặt thời gian. Điều này cũng tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp như VTN.

Theo ông Hoàng, VTN mới có hơn 10 khách hàng lớn nhưng gần đây, rất nhiều doanh nghiệp lớn và cơ quan nhà nước đã liên hệ về dịch vụ. Thị trường có khả năng tăng trưởng 100-200% từ nay đến năm 2010, trong đó khối cơ quan chính phủ được coi là lực đẩy chính. Tốc độ phát triển này có thể chững lại sau năm 2010 khi dịch vụ đã trở nên phổ biến. Từ 2005 đến nay VTN đã đầu tư khoảng 50 triệu USD cho dịch vụ hội nghị truyền hình. Hạ tầng cho dịch vụ này của Công ty trải khắp 64 tỉnh, thành phố và cung cấp ra cả nước ngoài. VTN có hình thức cho thuê đường truyền theo từng lần hội nghị truyền hình hoặc thuê bao theo tháng. Ngoài ra, VTN còn cho thuê cả thiết bị tiến hành hội nghị truyền hình.

Ông Trần Trung Trực, phụ trách kinh doanh mảng truyền hình hội nghị của Công ty Công nghệ Viettel (Viettel Technologies) cho biết, công ty đang mở rộng hạ tầng mạng nhằm đáp ứng dung lượng lớn hơn gấp nhiều lần so với hiện nay để cung cấp rộng rãi dịch vụ truyền hình hội nghị. Hạ tầng mạng hiện tại của Viettel Technologies có khả năng đáp ứng trên 160 điểm đầu cuối truyền hình hội nghị với tốc độ 4Mbps.

Viettel Technologies đang triển khai thử nghiệm dịch vụ truyền hình hội nghị cho Văn phòng Chính phủ và đã cung cấp dịch vụ này cho Bộ GD-ĐT.

(Theo ICTNews)



Bình luận

  • TTCN (0)