Phần nhiều máy tính ở VN sử dụng phần mềm không có bản quyền. (Hình minh họa: A.L)

Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các DN phân phối máy tính, đang đứng trước nguy cơ phải nhận mức phạt rất nặng và đánh mất uy tín kinh doanh khi bị “sờ gáy” vì đã vi phạm bản quyền phần mềm (BQPM). Tuy nhiên, việc xử lý loại vi phạm này cũng cần khôn khéo.

Bước đầu bảo vệ BQPM: VN được thế giới đánh giá cao

Luật sư, tiến sỹ Nguyễn Hoàn Thành, Văn phòng Luật sư Thành và Cộng sự cho biết: Các nước trên thế giới luôn có thái độ “giơ cao đánh khẽ” với những vi phạm này. Tuy nhiên, các cơ quan Nhà nước cần phải là nơi gương mẫu thực hiện các quy định liên quan tới bản quyền phần mềm.

Việc cung cấp phần mềm miễn phí rồi đề nghị hỗ trợ phát triển phần mềm sẽ đem đến nguồn lợi thậm chí là cao hơn cả thì số tiền họ thu được từ bản quyền. Hơn nữa, chính điều này có thể làm giảm việc vi phạm bản quyền phần mềm.

- Theo ông, khi thông tư này được chính thức thực hiện, các đối tượng nào sẽ bị “sờ gáy” đầu tiên ?

Gần như ai cũng có thể bị xử lý vì hầu hết các máy tính đều sử dụng phần mềm không có bản quyền. Số lượng máy cài đặt phần mềm bản quyền không lớn, chủ yếu tập trung ở một số cơ quan Nhà nước.

Về chủ trương, cần phải xử lý “nguồn” trước để ngăn chặn việc phát tán. Các công ty phân phối máy tính và các công ty bán đĩa phần mềm lậu sẽ là những điểm được tập trung chú ý nhất. Các công ty bán lẻ máy tính thì sẽ phải chịu phạt nhiều nhất vì cứ một cái máy tính bán ra và được cài đặt phần mềm miễn phí chính là một lần vi phạm bản quyền. Việc vi phạm này có thể coi là đặc biệt nghiêm trọng.

Đó là về văn bản quy phạm pháp luật, nhưng việc thực thi là quan trọng. Trong số 100 người vi phạm mà chỉ một số người bị xử lý thì quy định pháp luật đó hoạt động không hiệu quả. Tuy nhiên, số lượng vi phạm này lại quá lớn, gần như 100%.

- Nhiều người cho rằng áp dụng mức phạt thấp nhất là 50 triệu và cao nhất là 500 triệu là quá cao. Quan điểm của ông như thế nào?

Việc xử lý nặng có thể là con dao 2 lưỡi. Nếu xử lý quá nặng có thể dẫn đến việc các DN phải tạm dừng hoạt động. Đồng thời, nó cũng làm hạn chế điều kiện tiếp xúc với công nghệ mới vì khả năng tài chính của các DN, mà đặc biệt là người dân có hạn. Tuy vậy, nếu chúng ta không làm thì lĩnh vực phần mềm rất khó phát triển. Hoa Kỳ hàng năm có những công bố về mức độ vi phạm của các nước, thậm chí họ có thể áp đặt những mức hình phạt nhất định với các nước có mức vi phạm quá cao.

Khôn khéo trong xử phạt, hiệu quả sẽ cao hơn

- Pháp luật các nước xử lý với loại hình vi phạm này như thế nào, thưa luật sư Thành?

Trong lĩnh vực này, các nước luôn “giơ cao đánh khẽ”. Thời gian vừa qua, chúng ta đã xử lý chưa thực sự mạnh tay mà đã được thế giới đánh giá rất cao.

Về mặt pháp luật, các nước luôn có các hành xử khôn ngoan, dù các DN của họ vi phạm gấp nhiều lần về mức độ. Họ được đánh giá rất cao bởi vì họ có yêu cầu quyết liệt đối với các cơ quan Nhà nước phải gương mẫu sử dụng các phần mềm bản quyền. Các biện pháp chống sản xuất và tiêu thụ hàng giả, hàng nhái rất mạnh tay.

Thực thế, việc vi phạm bản quyền phần mềm không chỉ xảy ra ở VN. Ngay ở Mỹ, tỷ lệ vi phạm cũng khoảng 50%. Những nước được đánh giá cao, như Singapore cũng xấp xỉ 80%. Trong khi tỷ lệ này ở VN cũng chỉ là 85%.

Nhiều nơi cung cấp phần mềm miễn phí sau đó họ đề nghị hỗ trợ thì tiền họ thu được có khi còn cao hơn tiền thu được từ bản quyền hay bắt phạt.

DN máy tính... ngậm ngùi

Ông Mai Tuấn Anh, Giám đốc Phúc Anh Computer cho biết Phúc Anh sẽ “đành chịu” nếu bị xử lý. Vì việc phân phối phần mềm bản quyền cho những người tiêu dùng bình thường là chuyện... “không tưởng”.

Ông Tô Văn Long, Trưởng phòng quản lý bản quyền, Cục bản quyền tác giả văn học – Nghệ thuật thẳng thắn:

Mức phạt đối với các hành vi vi phạm bản quyền phần mềm từ trước đến nay vẫn còn nhẹ. Vì chưa đủ sức răn đe nên các vi phạm bản quyền, nhất là bản quyền phần mềm đang bị vi phạm tràn lan. Đã đến lúc phải có mức phạt thích đáng để việc nhận thức chấp hành các yêu cầu về bản quyền phải trở thành thường trực.

- Ông nghĩ sao nếu công ty Phúc Anh đứng trước khả năng bị phạt nặng và cùng với đó là uy tín bị ảnh hưởng ?

Việc thực thi thông tư này này chắc chắc sẽ ảnh hưởng tới thị trường chung. Thực tế, chúng tôi vẫn bán phần mềm bản quyền cho các khách hàng là DN, những người có khả năng tài chính. Còn những người tiêu dùng bình thường thì khó thực hiện, thậm chí là gần như chưa thể thực hiện được. Chúng tôi cũng đành phải cài đặt hỗ trợ cài đặt cho khách hàng này.

- Nghĩa là ông công nhận việc Phúc Anh vi phạm bản quyền ?

Chúng tôi biết việc làm này là sai. Nhưng bên cạnh đó, Phúc Anh và các công ty phân phối linh kiện máy tính luôn hoạt động tích cực cho việc quảng bá sử dụng phần mềm bản quyền. Một ngày chúng tôi bán được hơn 100 bộ, mỗi bộ giá khoảng hơn 100 USD.

Tuy vậy, nếu bị phạt thì chúng tôi cũng đành phải chấp nhận. Nghiêm túc thực hiện thông tư này, chúng tôi có thể không tiến hành cài đặt phần mềm miễn phí nữa, nhưng thay vào đó, nhiều công ty nhỏ hơn sẽ làm việc này. Chắc chắn như vậy vì đó là nhu cầu thực tế của khách hàng.

(theo VTC)




Bình luận

  • TTCN (0)