Hệ điều hành GNU (GNU's Not Unix) đánh dấu sự hiện diện của mình trong một phần tư thế kỷ bằng video ca ngợi phần mềm tự do của diễn viên hài Stephen Fry. Đoạn clip kêu gọi mọi người không sử dụng các sản phẩm thương mại này mở màn cho những sự kiện mà Tổ chức phần mềm tự do (FSF) dự định sẽ tiến hành trong suốt tháng 9.

Ảnh
Ảnh: i5.

FSF cũng lấy ngày 20/9 hàng năm là "Ngày phần mềm tự do" (Software Freedom Day). "Lễ kỷ niệm 25 năm không đơn giản là sự nhớ lại quá trình phát triển phần mềm tự do. Dù hệ thống GNU đã thành công, chúng ta vẫn cần cố gắng hơn nữa để thay thế hoặc loại bỏ các ứng dụng, nền tảng, trình điều khiển... độc quyền mà con người đang sử dụng", Peter Brown, Giám đốc điều hành FSF, cho hay.

Ngày 27/9/1983, chuyên gia mã mở Richard M. Stallman tuyên bố phát triển một hệ điều hành tương tự Unix nhưng hoàn toàn mở, cho phép mọi người có quyền thay đổi và chia sẻ. Chương trình này ra đời nhằm cạnh tranh với các hệ điều hành thương mại khác và hiện đã có hơn 300 phần mềm dành cho GNU.

Năm 1985, Stallman truyền bá khái niệm "copyleft" - hệ thống bảo vệ quyền chỉnh sửa và phân phối của phần mềm. Đến năm 1989, luật/giấy phép mã mở GPL (General Public License) ra đời.

Các thành tố của GNU được hoàn thiện từ lâu, trừ lõi GNU Hurd, nên nhân Linux thuộc bên thứ ba được sử dụng rộng rãi. Bởi vậy, đa số người dùng gọi tắt hệ điều hành là Linux. Điều này khiến Stallman không hài lòng: "Hãy gọi là GNU/Linux, vì Linux chỉ là cái lõi. Tất cả những công cụ biến Linux thành một hệ điều hành đều do phong trào GNU đóng góp, vì thế phải nói đầy đủ là GNU/Linux".

Đoạn video có tại http://www.gnu.org/fry/ hoặc xem trực tiếp dưới đây.

(theo VnExpress)




Bình luận

  • TTCN (0)