Chủ tịch Micrsoft khu vực châu Á Thái Bình Dương, Emilio Umeoka

Chủ tịch Micrsoft khu vực châu Á Thái Bình Dương, Emilio Umeoka, vừa đến thăm Việt Nam. Nhân dịp này, ông đã có cuộc trao đổi với báo giới về tình hình thị trường CNTT Việt Nam. Theo ông Emilio Umeoka, tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm của Việt Nam đã giảm 10%. Trước đó, vào tháng 10, Công ty dữ liệu quốc tế IDC cho biết tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm tại VN là 85%.

- Thưa ông, việc vi phạm bản quyền phần mềm ở Việt Nam vẫn rất lớn, theo ông, cần phải làm gì để việc vi phạm bản quyền phần mềm sẽ dần được khắc phục?

- Sở hữu trí tuệ là một trong những yếu tố then chốt cho sự phát triển của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Trong hoạt động sở hữu trí tuệ có 1 việc quan trọng cần làm làm dùng phần mềm máy tính có bản quyền. Việc Việt Nam gia nhập WTO là một quyết định quan trọng cho thấy nỗ lực không ngừng của chính phủ trong việc cam kết thực hiện quyền sở hữu trí tuệ. Thực tế đã cho thấy tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm tại Việt Nam đã giảm 10%, điều này có thể giúp tạo ra từ 3000 tới 5000 việc làm và từ 30 đến 50 triệu USD tiền thuế cho chính phủ. Tôi hy vọng các doanh nghiệp sẽ nhận thấy được những ích lợi rõ ràng của việc xây dựng hệ thống IT hợp pháp nhằm tránh được những rủi ro không mong muốn như bảo mật, an toàn cơ sở dữ liệu...

Gần đây, Microsoft khởi động chương trình BizSpark nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp phần mềm trong giai đoạn mới phát triển. Đây là một chương trình không chỉ nhằm nâng cao giá trị phát triển phần mềm mà còn đẩy mạnh việc ứng dụng phần mềm tại các doanh nghiệp.

Hơn nữa, chúng tôi nhận thấy đã có nhiều ứng dụng mới thông qua các giải pháp này và giúp cho các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động, nâng cao năng suất và giảm thiểu chi phí. Tôi tin rằng những sản phẩm và giải pháp của Microsoft sẽ giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao được vị thế cạnh tranh của mình trên thị trường trong nước cũng như khi gia nhập thị trường thế giới.

- Ông đánh giá như thế nào về thị trường phần mềm Việt Nam hiện nay?

- Thị trường Việt Nam là một trong những thị trường rất năng động và có tốc độ phát triển nhanh nhất trên thế giới. Tại Việt Nam, có rất nhiều tài năng trẻ hứa hẹn cho tương lai. Điều này đã được minh chứng thông qua kết quả cuộc thi Imagine Cup. Đây là một cuộc thi dành cho các lập trình viên tài năng do Microsoft tổ chức trên phạm vi toàn cầu. Tại TP. Hồ Chí Minh, cuộc thi đã thu hút hàng ngàn thí sinh tham gia.

- Thị trường phần mềm Việt Nam đầy tiềm năng vậy, thì Microsoft dành những “ưu ái” gì cho Việt Nam, thưa ông?

- Thị trường Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng trong chiến lược kinh doanh của Microsoft. Bên cạnh tốc độ phát triển nhanh chóng của nền kinh tế, Việt Nam đang sở hữu rất nhiều tài năng trẻ và cơ hội mới phía trước. Tập đoàn Microsoft rất sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam trong việc thúc đẩy và tạo ra những công nghệ mới nhằm phát triển ngành công nghiệp phần mềm trong nước nói riêng cũng như góp phần cho sự nghiệp phát triển kinh tế nói chung.

- Xin cảm ơn ông!

Đôi nét về chủ tịch Microsoft Châu Á - Thái Bình Dương

Umeoka bắt đầu đảm nhiệm chức Chủ tịch Tập đoàn Microsoft tại khu vực châu Á Thái Bình Dương từ 1/9/2006. Ở cương vị này, ông phụ trách các công việc về tiếp thị, bán hàng, dịch vụ, các hoạt động phát triển kinh doanh và các động khác tại khu vực bao gồm các nước Đông Nam Á, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, và các thị trường mới nổi như Bangladesh, Brunei và Sri Lanka.

Là người có quốc tịch Brazil, năm nay 43 tuổi, Umeoka tốt nghiệp chuyên ngành kỹ sư dầu khí tại đại học Texas A&M và có rất nhiều kinh nghiệm làm việc quốc tế với khởi nghiệp tại Angola, châu Phi. Từ năm 1986 đến 1995 ông lãnh đạo công ty phần mềm của chính mình – công ty Wild West – đây chính là công ty đại diện cho tập đoàn Microsoft đầu tiên tại châu Mỹ Latinh.

Năm 1995, Umeoka nhận lời mời về làm việc cho tập đoàn Compaq và 3 năm sau, ông chuyển về Houston (Mỹ) để đảm nhiệm chức vụ Phó Tổng giám đốc Bộ phận Máy tính Thương mại của tập đoàn này tại thị trường châu Mỹ Latinh. Tháng 2/2000, ông trở lại Brazil để lãnh đạo chi nhánh của tập đoàn Compaq tại đây, ông đã điều hành và đưa Compaq trở thành công ty dẫn đầu thị trường máy tính để bàn và máy chủ. Tháng 6 năm 2002, Umeoka được bổ nhiệm Tổng giám đốc Microsoft Brazil.

Trong chương trình xét chọn giải thưởng hàng năm của Vlor Econômico,  tạp chí kinh doanh hàng đầu tại Brazil, Umeoka được bầu chọn là Executivo de Valor trong 4 năm liên tục, đồng thời được công nhận là chuyên gia số 1 tại thị trường CNTT.

(Theo VTC)


Bình luận

  • TTCN (1)
Hải Nam  30903

Giảm 10%, từ 95% xuống 85%, vậy là VN từ nhóm cuối bảng lên nhóm "áp chót" rồi! Ông này có gì lỡ lời, chính phủ không thèm mua bản quyền Windows, Office mà chuyển sang mã nguồn mở là tiêu đời Microsoft.