Ảnh: Nokia Siemens Networks.

Theo khảo sát Connectivity Scorecard 2009 công bố hôm qua tại Phần Lan, điểm sử dụng các công nghệ truyền thông như mạng, ĐTDĐ, PC của Việt Nam đạt 2,75. Connectivity Scorecard 2009 được liên doanh thiết bị viễn thông Nokia Siemens Networks ủy nhiệm và do giáo sư Leonard Waverman, ĐH Kinh tế Luân Đôn (Anh) và công ty tư vấn LECG thực hiện.

Connectivity Scorecard 2009 đo lường sự sẵn có của các công nghệ thông tin và truyền thông và cách mà người dân, chính phủ và doanh nghiệp sử dụng các công nghệ này nhằm đạt hiệu quả kinh tế. Khảo sát thực hiện với phạm vi 50 quốc gia và vùng lãnh thổ qua hàng chục chỉ số, gồm có các kỹ năng công nghệ và việc sử dụng công nghệ truyền thông.

Các nhà nghiên cứu cho biết chỉ số mới – đã được một số quốc gia sử dụng trong các chiến lượng phát triển sáng tạo – cho thấy có nhiều dư địa để phát triển hạ tầng và việc sử dụng công nghệ truyền thông ở tất cả các quốc gia, kể cả Mỹ, Nhật Bản, Singapore... – những quốc gia được xếp hạng kết nối nhất thế giới.

Giáo sư Ilkka Lakaniemi – người đứng đầu cuộc đối thoại chính trị toàn cầu ở Nokia Siemens Networks – nói trọng tâm của nghiên cứu là hạ tầng cơ sở. Song ông nói thêm đầu tư vào đào tạo là điều cốt yếu nếu các quốc gia muốn tăng cường cạnh tranh.

Các quốc gia ở Đông và Nam Âu – gồm Italy, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Ba Lan – đứng ở các vị trí cuối cùng trong danh sách 25 quốc gia phát triển.

Malaysia, với sự giúp đỡ của mối quan hệ giữa khu vực công và tư nhân tốt, đứng đầu danh sách các nước đang phát triển. “Malaysia đã đầu tư mạnh cho hạ tầng cơ sở và do vậy, họ đã thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn các quốc gia láng giềng”, ông Lakaniemi nói.

Trong danh sách xếp hạng các nền kinh tế có động lực tăng trưởng là hiệu quả nguồn tài nguyên, Việt Nam đạt số điểm kết nối là 2,75, cao hơn so với Indonesia (1,87) nhưng thấp hơn Malaysia (7,07), Thái Lan (3,75) và Philippin (3,17). Nga đạt điểm số 5,37 và Trung Quốc là 3,19. Đáng chú ý là Ấn Độ chỉ đạt 1,87. Năm nước dẫn đầu nhóm này là Malaysia, Thổ Nhĩ Kì (6,71), Chile (6,59), Nam Phi (5,76) và Mexico (5,39).

Còn dưới đây là danh sách 10 nền kinh tế có động lực phát triển là sáng tạo: Mỹ (7,71), Thụy Điển (7,47), Đan Mạch (7,18), Hà Lan (6,75), Na Uy (6,51), Anh (6,44), Canada (6,15), Úc (6,14), Singapore (5,99), Nhật Bản (5,87).

Báo cáo cũng nói rõ là hai nền kinh tế này dùng các chỉ số và thang điểm khác nhau để tính. Malaysia xếp đầu nhóm sử dụng tài nguyên với số điểm 7,07 không có nghĩa là xếp trên Hà Lan hay Na Uy. Thực tế, nếu sử dụng cùng một thang đánh giá, thì Malaysia sẽ xếp sau Ba Lan (2,49), là quốc gia có điểm số thấp nhất trong nhóm này.

(Theo ICTnews/Reuters, NSN)



Bình luận

  • TTCN (0)