Điểm kết nối của Việt Nam năm nay có tiến bộ vượt bậc

Báo cáo Connectivity Scorecard 2010 vừa công bố cho thấy điểm kết nối của Việt Nam đã tăng 4 bậc so với năm ngoái và vượt qua cả Trung Quốc, Ấn Độ.

Connectivity Scorecard là một chỉ số ICT toàn cầu, xếp hạng 50 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới về không chỉ việc triển khai hạ tầng ICT mà còn đo quy mô các chính phủ/chính quyền, doanh nghiệp và người tiêu dùng sử dụng các công nghệ kết nối như thế nào để cải thiện sự thịnh vượng kinh tế và xã hội – hay còn gọi là “kết nối có ích”.

Connectivity Scorecard 2010 do giáo sư Leonard Waverman, ĐH Kinh tế Luân Đôn (Anh) và công ty tư vấn LECG thực hiện dưới sự ủy nhiệm của liên doanh thiết bị viễn thông Nokia Siemens Networks. Nghiên cứu nhấn mạnh nhu cầu cần tiếp tục đầu tư cho công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) để giải phóng tăng trưởng kinh tế.

Bảng xếp hạng của Connectivity Scorecard được chia làm hai nhóm (mỗi nhóm 25 quốc gia/vùng lãnh thổ), gồm nhóm các nền kinh tế dựa vào nguồn tài nguyên và nền kinh tế sáng tạo. Nằm trong nhóm nền kinh tế dựa vào tài nguyên, chỉ số Connectivity Scorecard 2010 của Việt Nam xếp thứ 15, đạt 3,42 điểm (điểm cao nhất là 7,14 điểm của Malaysia). So với năm ngoái, điểm số của Việt Nam đã tăng 0,67 điểm, tức tăng 24% và tăng 4 bậc xét về thứ hạng.

Năm nay, trong khu vực châu Á thuộc nhóm nền kinh tế dựa vào nguồn tài nguyên, Việt Nam chỉ đứng sau Thái Lan, Malaysia và vượt Trung Quốc (3.14 điểm), Ấn Độ (1,82 điểm), Indonesia (2,13), Philippin (2,92) – năm ngoái, xếp hạng của Việt Nam đứng dưới quốc gia này.

Ảnh
Các tiêu chí màu tím là của Việt Nam và màu cam là thuộc về quốc gia có điểm số cao nhất. Tiêu chí chia làm ba nhóm Chính phủ (government), Doanh nghiệp (business) và Người tiêu dùng (consumer), mỗi nhóm lại chia ra Hạ tầng (infrastructure) và Kĩ năng và sử dụng (skills, usage)

Theo Connectivity Scorecard 2010, điểm mạnh của Việt Nam trong chỉ số này nằm ở nhóm người tiêu dùng với tiêu chí phụ sử dụng của người dùng (consumer usage) và kỹ năng khá cao, đạt 0,64 điểm so với điểm cao nhất là 0,84.

Tuy nhiên, xét về hạ tầng tiêu dùng (consumer infrastructure) của Việt Nam còn khiêm tốn, đạt 0,44 so với 0,81 điểm cao nhất.

Nghiên cứu cũng nhấn mạnh việc đánh giá điểm kết nối của Việt Nam là không dễ dàng bởi một số thước đo về sử dụng và kỹ năng không theo dõi được do dữ liệu hạn chế hoặc trong một số trường hợp không có đủ chứng thực.

Và cho dù cách đánh giá nào chăng nữa, nghiên cứu cho rằng phát triển kinh tế của Việt Nam còn một chặng đường dài phải đi. Và nếu ICT và viễn thông đóng vai trò trọng yếu trong sự phát triển đó thì các lĩnh vực này phải được đầu tư công hỗ trợ như giáo dục, đào tạo và đào tạo công nhân cũng sẽ rất có ích.

Chỉ số kết nối Connectivity Scorecard 2010 của Malaysia xếp đầu bảng của nhóm nền kinh tế dựa vào tài nguyên, tiếp đến là Nam Phi, Chile, Arghentina và Nga.

Trong nhóm nền kinh tế động lực là sáng tạo, Thụy Điển đã giành ngôi đầu bảng của Mỹ năm ngoái, đẩy Mỹ xuống vị trí thứ nhì, tiếp theo là Na Uy, Đan Mạch, Hà Lan.

Theo ICTnews.




Bình luận

  • TTCN (0)