Tám đại công ty về công nghệ của Mỹ đang kêu gọi Tổng thống Obama và Quốc hội ban hành những biện pháp mới hạn chế những chương trình do thám của chính phủ nhằm tái tạo lòng tin của người sử dụng internet.

Trong một bức thư ngỏ gửi tới Tổng thống Mỹ và Hạ viện đề ngày 9/12/2013, 8 tập đoàn công nghệ cao của Mỹ gồm Twitter, OAL, Yahoo!, LinkedIn, Facebook, Apple, Microsoft và Google viết: “Chúng tôi hiểu được rằng chính phủ có trách nhiệm bảo đảm an ninh cho các công dân. Thế nhưng, những tiết lộ được phơi bày ra ánh sáng vào mùa hè vừa qua cho thấy, chính quyền cần cải tổ luật lệ trong lĩnh vực này vì nó đang làm xói mòn những quyền tự do mà tất cả chúng ta quý trọng".

Tám tập đoàn tin học vừa nêu muốn nói tới chương trình PRISM được Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) sử dụng. Chương trình đó nhằm nghe lén điện thoại, đọc lén thư của các khách hàng có tài khoản trên các mạng xã hội hay có tài khoản trên Google, Yahoo! … Theo tiết lộ của cựu nhân viên tình báo Mỹ, Edward Snowden, NSA đã thu thập hàng triệu thư từ trao đổi trên thế giới. Snowden giải thích rằng dưới áp lực của chính quyền Mỹ, các đại gia tin học của Mỹ đã bắt buộc phải “hợp tác” với NSA.

Trong 6 tháng qua, các tập đoàn tin học Mỹ lần lượt thông báo nâng cao mức độ an toàn cho khách hàng trước những ý đồ nghe trộm thông tin.

Tổng giám đốc Yahoo!, bà Marissa Mayer, yêu cầu Hạ viện Mỹ sửa đổi luật về vấn đề an ninh và minh bạch hóa các hành vi của chính phủ. Một số tiếng nói khác thì cho rằng Mỹ không nên thu thập các thông tin cá nhân một cách vô tội vạ. Việc này sẽ “dẫn tới một số vi phạm nghiêm trọng về tự do”, vốn là một trong những giá trị nền tảng của nước Mỹ.

Trong bức thư ngỏ, tám đại công ty cho biết họ đang "tập trung vào việc giữ cho dữ liệu của người sử dụng được an toàn... để ngăn chặn hoạt động do thám trái phép". Họ hối thúc chính phủ Mỹ "đảm bảo rằng những nỗ lực theo dõi của chính phủ được pháp luật hạn chế rõ ràng" và "tương xứng" với những nguy cơ an ninh quốc gia mà chính phủ đối mặt.

Các nhà lập pháp tại Quốc hội Mỹ đã xem xét nhiều biện pháp hạn chế theo dõi khác nhau nhưng vẫn chưa có hành động.

Trong một diễn biến khác có liên quan, theo tin của báo The Guardian, Cơ Quan An Ninh Quốc Gia Mỹ (NSA) và Cơ Quan Tình Báo Anh (GCHQ) đã tung nhân viên vào cả thế giới ảo của trò chơi điện tử như Xbox Live Network, World of Warcraft, và Second Life để dò tìm hoạt động khủng bố.

Edward Snowden là người đầu tiên phanh phui việc theo dõi của NSA từ hồi đầu năm, từ đó đã tiết lộ nhiều tài liệu và thông tin về các cơ quan tình báo, kể cả tài liệu mật mới công bố nhất này của NSA có từ năm 2008 với nhan đề “Exploiting Terrorist Use of Games & Virtual Environments”.

Theo tài liệu, các cơ quan tình báo xem việc chơi game online là “cơ hội” để thu thập liên lạc giữa các tay chơi game cũng như thông tin về họ, vì mục đích dò tìm khả năng có thể có những đe dọa khủng bố.

Cụ thể hơn, NSA lợi dụng việc chơi game trên mạng để thu thập hình ảnh của những người trong các trang mạng xã hội, qua danh sách người trong nhóm và những giao thiệp (như thông điệp đổi trao), để rồi có được “mục tiêu nhận diện” như hình ảnh lí lịch và địa điểm.

NSA còn dùng đến thông điệp nặc danh và thông báo của Second Life, các giao tiếp trong World of Warcraft, kể cả bộ phận thính âm mang ở tai và video camera của Xbox Live.

Tuy nhiên chiến thuật này có một số trở ngại. Ðó là chưa có chứng cớ nào cho thấy quân khủng bố sử dụng online gaming như là công cụ để giao tiếp nhau. Trong khi người chơi game dù không có liên quan đến khủng bố có thể vẫn bị xâm phạm quyền riêng tư, và rằng sự xâm nhập vào online gaming chưa khui được vụ đe dọa khủng bố nào.

Theo Petrotimes




Bình luận

  • TTCN (0)