Ông Lê Hồng Châu, sinh năm 1984 - cán bộ công nghệ bảo mật FIS INF HCM, người vừa đạt chứng chỉ CCIE vào ngày 13/10/2008 vừa qua tại Úc. Danh hiệu này trước đây 2 năm cũng được trao cho một thành viên của FIS, và với thành tích này của ChâuLH, lần thứ 2 FIS lập kỷ lục có nhân viên đạt chứng chỉ CCIE trẻ nhất Việt Nam. Ông Lê Hồng Châu là người thứ 34 sở hữu trong tay tấm chứng chỉ đáng giá này.

Chuyện xuất ngoại nhiều trắc trở

Ngày khởi hành dự thi là 10/10, ngày 13 là ngày thi chính thức và đến ngày 15 Châu sẽ có mặt tại TP.HCM. Tuy nhiên chỉ đến trước ngày khởi hành ít hôm, visa của Châu mới thực sự hoàn tất. Không những vậy, khi đã đến sân bay, Châu lại gặp tiếp trục trặc trong check-in. Đã gần sát giờ bay, việc check-in của Châu và một số hành khách khác vẫn chưa thể hoàn thành, cộng thêm việc không hề có một lời giải thích nào từ phía sân bay khiến cho mọi người khá lo lắng. Ngồi và chờ đợi, đó là những gì nhân viên sân bay bảo Châu làm. Cuối cùng, phải nhờ đến sự “trợ giúp” của người nhà, Châu mới được là 1 trong 2 hành khách cuối cùng của chuyến bay hôm ấy.

Nói về những cảm giác khi ngồi chờ đợi ở sân bay, Châu tỏ ra khá tự tin và hy vọng vào sự may mắn của bản thân mình: “Ngay cả lúc ngồi chờ check-in, biết chắc là nếu mình lỡ chuyến bay thì sẽ có nguy cơ lỡ thi, nhưng không hiểu sao mình vẫn tin rằng chắn chắn mình sẽ đi được”. Quả thực, niềm tin, sự may mắn và sự hỗ trợ nhiệt tình của gia đình đã giúp Châu bước lên chuyến bay xuất ngoại đầu tiên trong đời, cũng là chuyến bay đưa Châu chinh phục một thử thách khá lớn.

Ảnh
Ảnh Lê Hồng Châu vừa về Việt Nam - Chụp tại TP.Phan Thiết

Đam mê và kiên trì cho một mơ ước

Cũng như rất nhiều bạn trẻ 8x khác, Châu có điều kiện tiếp xúc với máy tính từ khi còn nhỏ. Khi Châu đang học tiểu học thì ba của Châu – một tiến sĩ Sinh học đã mua chiếc máy PC 386 nhằm phục vụ cho công tác nghiên cứu và giảng dạy của mình. Đối với chú bé Châu khi đó, chiếc máy tính đã mở ra một thế giới mới, kỳ diệu và đầy khám phá. Tập làm quen cùng Commander, DOS … trên chiếc máy tính ấy đã hình thành trong Châu một niềm đam mê về tin học cùng một ước mơ muốn được chinh phục những điều mới mẻ.

Khát khao ấy cùng sóng đôi với Châu trong suốt quãng đời phổ thông. Tốt nghiệp trường THCS Ba Đình Q5 với kết quả xuất sắc, Châu tiếp tục theo học ban A trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Châu được tiếp cận với ngôn ngữ lập trình Pascal, và niềm đam mê tin học của anh ngày càng  được hun đúc trong suốt khoảng thời gian theo học tại ngôi trường này. Sau đó Châu theo học khoa CNTT trường ĐH KHTN với chuyên ngành mạng máy tính. Tại nơi đây, Châu đã bắt đầu con đường chinh phục các chứng chỉ của Cisco với tấm bằng CCNA vào năm thứ 3 và CCNP vào năm cuối.

Khi tốt nghiệp, Châu được nhận về công tác tại FIS. Sau năm đầu tiên tại công ty mới, Châu được nhận bằng khen Nhân viên công nghệ xuất sắc của năm, đồng thời cũng lấy thêm một số chứng chỉ Cisco khác như CCSP, CCSE, CEH. Thời điểm này, Châu quyết định cho cuộc chinh phục khó khăn nhất: CCIE.

Để chuẩn bị cho kỳ thi này, Châu đã lên kế hoạch từ đầu năm, và ôn thi miệt mài trong vòng 8 tháng. Châu tâm sự: “Khi mình bắt đầu có ý định đi thi, có rất nhiều điều khiến mình phân tâm và muốn rút lui, như: kinh phí tự túc, thiết bị ôn thi không có, công việc của Trung tâm cũng bận rộn … , nhưng nhờ có những người bạn cùng chí hướng, cùng ôn thi động viên nên mình mới quyết tâm thi tiếp”.

Do đây là thời điểm FIS cắt mọi chi phí đào tạo, nên kinh phí cho kì thi đều là do các các nhân tự bỏ ra. Công ty hỗ trợ cho nghỉ 3 tháng cuối cùng để ôn thi. Bởi vậy, quá trình ôn thi của Châu là 5 tháng vừa làm vừa ôn thi, và chỉ nghỉ ôn thi vào 3 tháng cuối cùng. “Mất 2 tháng để so sánh các tài liệu này với tài liệu khác, sau đó mới chọn cho mình một số tài liệu để ôn thi. 3 tháng tiếp theo là ôn tập những bài tập nhỏ và 3 tháng sau cùng mình nghỉ ở nhà để ôn những bài Lab lớn” – Châu kể về quá trình ôn thi của mình.

Lê Hồng Châu (24 tuổi) - nhân viên FPT

đã xuất sắc giành được chứng chỉ CCIE về bảo mật của Cisco. Đây là chứng chỉ cao cấp nhất và cũng là khó đạt nhất trong ngành công nghệ thông tin hiện nay.

Với thành tích của mình, Lê Hồng Châu đã trở thành người Việt Nam thứ 34 có trong tay chứng chỉ cao cấp này và đã phá vỡ kỷ lục "CCIE trẻ nhất Việt Nam" của anh Đỗ Ngọc Huy cách đây 2 năm.

(theo Thanh Niên Online)

Do không có thiết bị để luyện tập, nên Châu phải thuê Lab Online. Lab Online chia làm 4 múi giờ. 11h đêm – 5h sáng; 5h sáng – 11h trưa; 11h trưa – 5h chiều và 5h chiều – 11h đêm. Trung bình mỗi ngày Châu luyện 1 bài, có ngày 2 bài. Bởi vậy, thức từ 11h đêm đến 5h sáng để luyện thi với Châu là chuyện bình thường.

Được biết, các bậc đàn anh đi trước đều cần tới ít nhất 1 năm để ôn thi Lab, và hiếm người đậu ngay từ lần thi đầu tiên, dù vậy Châu vẫn quyết tâm sẽ thi vào tháng 10. Hỏi “Có phải bạn tự tin vào mình quá?” – Đôi mắt cười phía sau cặp kính cận dày cộp, Châu trả lời thành thật: “Vì điều kiện không cho phép nghỉ ôn thi quá lâu, và cũng là từ một niềm tin của bản thân mình: đã đặt ra kế hoạch thì phải thực hiện cho bằng được”. Nhìn vào dáng người nhỏ bé và khuôn mặt hiền lành, thật khó tin rằng ẩn phía sau là một bản lĩnh lớn đến như vậy.

Ảnh
Ảnh Lê Hồng Châu chụp tại Nhà hát Opera (Úc)

Và cố gắng ấy đã được đền đáp, bản lĩnh ấy đã giúp Châu hoàn thành được giấc mơ lớn của mình. Vào đúng 13h thứ 6, ngày 13/06, Châu đã xuất sắc đạt số điểm tuyệt đối 100/100 của phần thi CCIE Security Written trong sự hân hoan cổ vũ của đồng nghiệp. Vào ngày 13/10, Châu đã hoàn thành bài thi Lab của mình một cách xuất sắc tại một đất nước ở Nam bán cầu, cách Việt Nam 9000 km và hơn 8h bay. Trưa hôm sau đó, Châu một mình thưởng thức niềm vui chiến thắng với lời chúc mừng của gia đình và đồng nghiệp qua mail. Châu tâm sự: “Có được kết quả ngày hôm nay  không chỉ là quyết tâm của bản thân mình mà còn có cả sự ủng hộ về mọi mặt của cả gia đình, anh em, bạn bè, đồng nghiệp”. Tất cả những yếu tố ấy đã đưa Châu đến với chứng chỉ CCIE danh giá – niềm mơ ước không chỉ riêng Châu mà còn là hy vọng của cả gia đình.

Chỉ số CCIE Việt Nam đạt được trên bản đồ thế giới tại www.cisco.com.

(theo FIS)




Bình luận

  • TTCN (0)