“Cú bắt tay” giữa hai đấu thủ tìm kiếm Yahoo và Microsoft ngày hôm qua đã thu hút khá nhiều ý kiến trái ngược. Quan tâm nhất không ai xa lạ chính là gã khổng lồ còn lại - Google. Người đứng đầu bộ phận tìm kiếm của Google cho biết thỏa hiệp giữa Microsoft và Yahoo có khả năng gây phương hại đến cạnh tranh trên thị trường tìm kiếm cũng như người dùng.

Nếu Yahoo chấp nhận cỗ máy Bing trên chính "sân nhà" thì cuộc đua tìm kiếm giờ chỉ còn lại hai địch thủ, theo Marissa Mayer, phó chủ tịch phụ trách bộ phận tìm kiếm Google. Bà cho biết thêm vụ thỏa hiệp giữa hai gã khổng lồ này sẽ làm giảm khả năng đổi mới và sáng tạo trên trường tìm kiếm.

"Trong một cuộc đua có càng nhiều đối thủ thì các vận động viên càng cố gắng chạy nhanh hơn", Mayer ví von trong một cuộc phỏng vấn tại hội nghị "AlwaysOn Stanford Summit" tại Palo Alto, California. Trái với Mayer, một vài nhà quan sát lại cho rằng cái "bắt tay" giữa Microsoft và Yahoo sẽ làm tăng tính cạnh tranh trên trường tìm kiếm, bởi nó tạo ra một đối thủ đáng gờm cho Google.

Đồng quan điểm với Mayer, Al Hilwa - một nhà phân tích của IDC nhận định: ““Thật không may” là trên đấu trường tìm kiếm giờ chỉ còn lại 2 địch thủ (sừng sỏ nhất), điều này sẽ làm giảm tính cạnh tranh hấp dẫn trên qui mô cuộc đua nói chung.” Trong cuộc chạy đua tìm kiếm với Google, cả Yahoo và Microsoft đã từng có những khám phá và đổi mới hấp dẫn. “Điều này mang đến những phát triển không ngừng trên lĩnh vực tìm kiếm”. “Sau thương vụ này, Microsoft có khả năng sẽ cảm thấy ít sức ép hơn khiến họ phải tìm tòi và thay đổi "chiến thuật" và như vậy sẽ làm giảm cả "tốc độ" và "nhiệt độ" của cuộc đua tìm kiếm.

Được biết, cách đây một năm sau khi Yahoo khước từ lời đề nghị hào phóng 44,6 tỷ USD của Microsoft, Google đã tiếp cận Yahoo trong một thương vụ tương tự vụ ngày hôm qua. Tuy nhiên, trước sự "hăm dọa" của Microsoft và các nhà làm luật, Google buộc phải từ bỏ Yahoo giữa đường. Giờ đây, tình huống vẫn như cũ, chỉ có điều lần này Google mới là người "bức xúc".

Theo ITcenter (PC World)




Bình luận

  • TTCN (0)