TP HCM đang là đơn vị đi đầu trong cả nước về lĩnh vực công nghệ vi mạch.

Sáng 16/1, Ban chỉ đạo Chương trình Phát triển vi mạch TP HCM phối hợp với Sở Thông tin & Truyền thông đã tổ chức hội nghị sơ kết 2 năm triển khai Chương trình phát triển vi mạch TP HCM (2012 – 2014).

“Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch tại TP HCM giai đoạn 2013 – 2020” được UBND TP HCM phê duyệt vào ngày 14/12/2012 với 7 mục tiêu, chương trình cụ thể.

Các mục tiêu đó là: Đào tạo thiết kế vi mạch; Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ vi mạch và hệ thống nhúng; Phát triển thị trường vi mạch; Nghiên cứu sản xuất và thử nghiệm; Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chín sách và biện pháp hỗ trợ phát triển công nghiệp vi mạch; Xây dựng nhà máy sản xuất chip; Xây dựng nhà thiết kế.

Trong quá trình triển khai thực hiện, UBND TP HCM đã chấp thuận bổ sung thêm 3 đề tài, dự án: Phát triển sản phẩm đầu cuối sử dụng vi mạch điện tử; Phòng thí nghiệm và sản xuất thử nghiệm vi mạch (Lab –to- Fab) và Phát triển sản phẩm vi cơ điện tử (MEMS).

Những đề tài, dự án này nhằm tạo nên một hệ sinh thái toàn diện, khẳng định quyết tâm của TP HCM trong công cuộc phát triển lĩnh vực công nghiệp bán dẫn vi mạch.

Sau hai năm triển khai, chương trình đã tập hợp được tất cả các cơ quan, tổ chức, viện, trường… tham gia dưới sự chỉ đạo thống nhất của Ban chỉ đạo TP HCM.

Quá trình thực hiện đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu thiết kế chip, xây dựng trung tâm thiết kế vi mạch, hợp tác quốc tế… cũng đạt được nhiều thành tựu nhất định.

Bên cạnh đó, việc ra mắt, thương mại hóa những sản phẩm ứng dụng chip Việt như SG8V1, KIT DE-8V1, khóa container, thiết bị giám sát hành trình, thiết bị giám sát và định vị nguồn phóng xạ,….

Từ những thành công trên, TP HCM đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ sản xuất chip của thế giới, thu hút được thêm nhiều dự án có vốn đầu tư nước ngoài vào thành phố, qua đó, biến Việt Nam thành nước đứng thứ 3 về lĩnh vực thiết kế vi mạch trong khu vực ASEAN.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Mạnh Hà, Phó chủ tịch UBND TP HCM đánh giá cao những kết quả mà ngành công nghệ vi mạch thành phố đã đạt được trong hai năm vừa qua.

Ông cũng khẳng định, trong thời gian sắp tới, TP HCM sẽ có nhiều cơ chế, chính sách và đầu tư không hạn chế nhằm mở rộng thị trường, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao với mục tiêu biến TP HCM trở thành đơn vị đi đầu trong cả nước về lĩnh vực công nghệ vi mạch.

Hiện nay, thị trường Việt Nam mỗi năm tiêu thụ hơn 20 tỉ con chip các loại. Đây là cơ sở để TP HCM quyết tâm phát triển ngành công nghiệp vi mạch, với mong muốn trở thành một ngành kinh tế chủ lực, ngành công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, làm nền tảng cho sự phát triển chung và thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa TP HCM, củng cố vị thế TP là mũi nhọn phát triển kinh tế, khoa học và kĩ thuật của cả nước.

Theo Khám Phá.




Bình luận

  • TTCN (0)